Cơn sốt nhập tịch cầu thủ đang làm náo loạn bóng đá Đông Nam Á, gây tác động không nhỏ đến bóng đá Việt Nam. Giá trị truyền thống, bản sắc và màu cờ sắc áo phai nhạt để đổi lại bằng giấc mộng đoạt lấy thành tích trong chốc lát. Thể thao VietNamNet xin giới thiệu loạt bài về cơn sốt bóng đá nhập tịch, những góc nhìn và cách 'ứng xử' của bóng đá Việt Nam với vấn đề nóng này:

Thành công và thất bại của Singapore

Giống như các môn thể thao thành tích cao, "Chương trình Tài năng Thể thao Nước ngoài" (FST) có tác động lớn đến bóng đá Singapore.

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Singapore được xem là thế lực của bóng đá Đông Nam Á nhờ chính sách nhập tịch.

daniel bennett singapore.jpg
Bennett, gốc Anh, là biểu tượng thành công của Singapore thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21

Singapore là đội đầu tiên vô địch 2 lần liên tiếp ở AFF phiên bản mới (chủ nhà chỉ đăng cai vòng bảng; từ bán kết đá 2 lượt sân nhà và sân khách) các năm 2004 và 2007.

Daniel Bennett, người gốc Anh và đến Singapore theo gia đình từ nhỏ, là thủ lĩnh của thế hệ này. Anh cũng là nhà vô địch AFF Cup 2012 và giữ kỷ lục 146 trận quốc tế.

Những "ngoại binh" gốc Nigeria cũng đóng góp đáng kể vào chu kỳ thành công này. Itimi Dickson là thành viên đội ngũ vô địch AFF Cup 2004 và 2007, trong khi Agu Casmir chiến thắng năm 2004 - giải đấu mà Việt Nam và Malaysia đăng cai vòng bảng.

Trong khi đó, những trường hợp được kỳ vọng nhiều hơn như Mirko Grabovac (Croatia) và Egmar Goncalves (Brazil) đều không thể hiện nhiều.

Từ những thay đổi của LĐBĐ Singapore (FAS), đề án FST cũng không còn phát huy hiệu quả, đối với cấp độ ĐTQG lẫn các đội trẻ.

song ui young singapore.jpg
Song Ui Young là gương mặt nhập tịch mới của Singapore

Singapore hiện rất nhạt nhòa trên bản đồ bóng đá thế giới, khi xếp hạng 156 FIFA (năm 2005 và 2006, họ từng đứng hạng 92), chỉ 1 lần vào bán kết trong 5 kỳ AFF Cup vừa qua. Ở cấp độ trẻ, "Young Lions" bị loại từ vòng bảng SEA Games 5 kỳ gần nhất.

Sự trở lại của những cầu thủ nhập tịch như Song Ui Young (Hàn Quốc), Jacob Mahler (Đan Mạch) cũng không giúp Singapore tìm thấy tia sáng hy vọng.

Muôn hình vạn trạng

So với Singapore có chiến lược cụ thể, chuyện nhập tịch ở các nền bóng đá khác tại Đông Nam Á diễn ra muôn hình vạn trạng.

Các trường hợp nhập tịch chủ yếu liên quan đến lợi ích CLB ở giải VĐQG, nhằm đối phó với hạn ngạch cầu thủ ngoại. Từ đó nhiều người được gọi vào ĐTQG.

Malaysia trong nhiệm kỳ Tan Cheng Hoe (2018-2022) rất nổi bật với chính sách này. Nhà cầm quân 55 tuổi nhiều lần công khai ủng hộ nhập tịch để cạnh tranh danh hiệu.

de paula viet nam malaysia.jpg
De Paula là thất bại của chính sách nhập tịch Malaysia

Kể từ sau vinh quang đầu tiên và duy nhất năm 2010, Malaysia không thể cạnh tranh với Thái Lan và tuyển Việt Nam.

Ngoại trừ Mohamadou Sumareh hiện vẫn là trụ cột, những gương mặt như Liridon Krasniqi (từng khoác áo Kosovo), Guilherme De Paula (Brazil), Ezequiel Aguero (Argentina) bị chính người hâm mộ Malaysia chỉ trích vì thiếu tinh thần chiến đấu.

Jamal Nasir, cựu hậu vệ giành HCV SEA Games 1977 và 1979, cho rằng nhập tịch là xu thế chung của bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, lạm dụng một cách ồ ạt chỉ mang lại khó khăn về quản lý hơn là thành công.

Các cầu thủ nhập tịch vì lợi ích của họ với CLB. Việc được gọi vào ĐTQG giống như sự đảm bảo thêm về giá trị gia tăng mà không vì màu cờ sắc áo.

Kết quả là đội tuyển thiếu bản sắc và sự cống hiến. Điều này cũng xảy ra với Indonesia, đội bị chỉ trích "lão hóa" đội hình khi nhập tịch Ilija Spasojevic (Montenegro), Beto Goncalves (Brazil), trung vệ Victor Igbonefo (Nigeria).

manny ott viet nam philippines.jpg
Manny Ott vẫn là trụ cột của Philippines

Đối với Philippines, nhập tịch luôn được cổ vũ vì chính sách này giúp họ bước vào nhóm đội mạnh Đông Nam Á, với khả năng cạnh tranh vé bán kết AFF Cup.

Năm 2010, Philippines lần đầu vào bán kết AFF Cup nhờ bộ khung cầu thủ gốc Anh, như thủ môn Neil Etheridge, hậu vệ Rob Gier, anh em nhà Phil và James Younghusband, cũng như Anton del Rosario (Mỹ), Jason de Jong (Hà Lan).

Philippines có thêm 3 lần khác vào bán kết AFF Cup nhờ "ngoại binh", cũng như làm nên lịch sử với lần ra mắt Asian Cup 2019 - giải đấu mà tuyển Việt Nam thực hiện kỳ tích tứ kết.

Hiện tại, Stephan Schrock, Manny Ott, Mike Ott, Patrick Reichelt vẫn là trụ cột của Philippines đấu tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026.

Nhập tịch cũng thay đổi hoàn toàn đội nữ Philippines, khi đội hình có nhiều người gốc Mỹ - nơi mà bóng đá nữ phát triển nhất. Giờ đây, họ đang nhắm đến đối tượng cầu thủ trẻ, hướng đi mới của Đông Nam Á.

Kỳ 3: Indonesia ồ ạt nhập tịch: Chi tiền tuyển cầu thủ