Chị gái gọi tôi về dọn nhà - ngôi nhà gắn bó cả thời ấu thơ đầy kỷ niệm giờ đã thành hiu quạnh khi cha mẹ không còn. Soạn lại tủ sách báo cũ, một bức ảnh rơi ra. Nước ảnh đã mờ nhòe theo năm tháng nhưng tôi vẫn nhận ra người trong ảnh là tôi của 30 năm về trước.
Trong ảnh, tôi đứng bên chị gái, diện trên mình chiếc áo len màu vàng - vật bất ly thân suốt thời thơ ấu. Bao kỷ niệm bất chợt ùa về.
Ngày ấy, gia đình tôi chuyển từ miền quê Thạch Hội lên Cẩm Quan sinh sống nên được gọi là dân góp. Nhà đông miệng ăn, lại nuôi thêm bà dì quá lứa lỡ thì nên cuộc sống của gia đình tôi hồi đó khá chật vật. Bữa ăn chủ yếu là cơm độn khoai độn sắn nhưng thường thì khoai, sắn nhiều hơn cơm. Không được phân ruộng để làm, cả nhà ra sức tăng gia sản xuất trên khu vườn rộng hơn 3.000m2.
Đồng lương bộ đội của cha không đủ trang trải cho 5 anh em tôi học hành. Cha tôi, người thương binh bước ra từ chiến trường ác liệt, diệt xong giặc ngoại xâm lại xắn tay áo cùng bà con diệt giặc đói, giặc dốt.
Cha vẫn thường căn dặn mẹ con tôi: “Có thể đói ăn, đói mặc nhưng không được để đói chữ. Khó khăn mấy cũng phải cho cả năm đứa được đến trường”.
Ngày nghỉ, cha tranh thủ cùng mẹ con tôi ra quân lao động trên mọi mặt trận. Ngoài việc trồng chè, trồng mía, trồng cây ăn quả, nhà tôi nuôi thêm bò, lợn và làm trang trại để tăng thêm thu nhập.
Cha phân công nhiệm vụ rành rọt để con cái không kiện tụng lẫn nhau, mỗi người đều được giao quản lý một loại tài sản trong vườn. Mẹ và anh cả chịu trách nhiệm quán xuyến chung; vườn chè giao chị thứ hai chăm sóc và cắt bán; vườn ổi giao cho chị thứ ba quản lý và thu hoạch, tôi nhỏ tuổi hơn nên được giao đi chăn đàn bò, riêng em út lúc ấy còn nhỏ nên được miễn.
Sáng sớm, khi tiếng kẻng từ doanh trại bộ đội gần nhà vang lên, anh em tôi phải đồng loạt thức dậy gấp chăn màn gọn gàng, ngăn nắp để tập thể dục. Các hoạt động từ cơm nước, học hành, đến trường hay sản xuất đều được cha lên lịch và chị em tôi cứ thế tự giác thực hiện.
Lâu dần thành nếp, anh trai và mẹ không phải nhắc nhở nhiều, chiếc roi mây của cha cũng vì thế mà được yên vị treo trên tường nhà.
Nhiệm vụ của tôi là một buổi đến trường, một buổi đi chăn bò. Nhà nuôi mỗi con bò cái để sinh sản nhân giống nên tôi cũng nhàn, chỉ việc dắt bò đến những nơi cỏ xanh tốt, đóng cọc buộc bò vào đó cho nó gặm cỏ là tha hồ chơi cùng đám bạn. Chơi chán lại chạy ra dời bò sang chỗ khác buộc để đảm bảo buổi chiều dắt bò về, hai bên hông bò không bị lõm vào, chứng tỏ là bò đã ăn no cỏ.
Một dạo, con bò cái đến thì động đực, chạy rượt tìm bò đực làm tôi đang chơi phải hốt hoảng chạy theo kìm dây kéo lại vì sợ nó chạy mất. Chẳng ngờ, sức vóc bé nhỏ của tôi chẳng có ý nghĩa gì, bị nó lôi sòng sọc kéo lê giữa đường đất đỏ.
Sợ mất bò, tôi không dám thả tay nên cứ thế bị lôi đi một đoạn khá dài. Cho đến khi hai tay rớm máu, cùi tay và đầu gối sứt toạc, tôi đành buông tay, mặc cho nó chạy đi. Đến chập tối, mẹ với anh trai tìm được bò đem về thì tôi cũng đã khóc sưng hai mắt, phần vì đau, phần vì sợ bò chạy mất không tìm được.
Sau đó mấy hôm, một bữa, cha đi công tác về, đưa cho tôi một chiếc áo len màu vàng dày dặn, là đồ cứu trợ lũ lụt miền Trung mà cha chọn cho tôi để mặc đi chăn bò, mùa đông thì giữ ấm mà mùa hè thì mặc cho đỡ…đen da.
Tôi mặc vào, áo dài quá đầu gối. Cha bảo: “Áo này bây giờ con mặc còn hơi dài, nếu con gìn giữ cẩn thận còn có thể dùng được mấy năm, cho đến khi con học hết tiểu học”. Tôi thầm nghĩ: “Từ nay, có bị bò kéo lê giữa đường thì cũng không lo trầy da sứt thịt nữa”.
Từ hôm đó, chiếc áo len dính với tôi như hình với bóng. Tôi cứ mặc chiếc áo len đó cả đông lẫn hè. Tôi tin lời cha nói, rằng mặc áo len đi chăn bò giữa trời hè chắc chắn làn da tôi sẽ bớt bị rám nắng. Tôi sẽ không còn bị đám bạn cùng lớp suốt ngày trêu chọc đặt hẳn biệt danh là Zen-đa (tức da đen). Hơn nữa, trời nắng nóng, mặc áo len dày trịch, mồ hôi túa ra ngấm vào áo len lại càng mát.
Suốt ngày lẽo đẽo theo sau lưng bò, mùi hôi của bò ngấm vào tóc, vào da thịt, vào cả áo len. Vì lẽ đó, tuổi thơ tôi mang trên mình mùi khét bò đặc trưng.
Chiếc áo len đầy kỷ niệm đó, tôi mặc đến hết lớp 4 thì không còn dùng được nữa vì nó đã quá cũ, sờn và “ám mùi bò” như lời các chị tôi nhận xét.
Tôi tiếc nuối xếp chiếc áo vào đống đồ cũ và gác lên chạn để cất, rồi quên bẵng. Cho đến lúc này, nhìn thấy tấm ảnh cũ, tôi mới sực nhớ ra vật kỷ niệm của một thời ấu thơ.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Nguyễn Hằng (Trường Đại học Hà Tĩnh)