Nhiều cuộc thi ảnh gây ra những lùm xùm về chất lượng tác phẩm đoạt giải lại tái diễn. Cuối tháng 8 vừa qua là Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024 với tranh cãi về yếu tố nghệ thuật hay không nghệ thuật trong một tác phẩm đoạt giải Bạc.
Bức ảnh Tân binh lên đường nhập ngũ của Từ Thành với nội dung một thanh niên mặc áo lính cười tươi. Bên cạnh và trước mặt chàng trai là hai phụ nữ lớn tuổi. Một người đang dùng khăn giấy trông như vừa lau nước mắt, một người quàng tay ôm ghì cổ tân binh khóc mếu. Tác phẩm cho thấy tác giả sáng tác trong ngày giao quân nhưng không có chú thích địa điểm, thời gian lẫn tên tuổi nhân vật chính.
Ngay sau khi công bố trên mạng, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Phần lớn giới chuyên môn đều cho rằng bức ảnh không có tính nghệ thuật trong một cuộc thi có tên là "nghệ thuật", thậm chí bố cục ảnh còn rất lỗi khi chiếc ống kính của một tay máy khác lọt vào bên trái khuôn hình.
Phóng viên ảnh Lưu Trọng Đạt (TTXVN) bày tỏ quan điểm đây không phải là tác phẩm nghệ thuật khi vẫn tồn tại những yếu tố "rác" làm cho bức ảnh không còn tính toàn vẹn chỉn chu. Khoảnh khắc là điều duy nhất tác giả có được nhưng giá trị nội dung biểu đạt đối với công chúng là con số 0 khi mọi cảm xúc trong bức ảnh lẫn lộn. Bi không ra bi, hài không ra hài. "Điều tác giả muốn truyền tải đến công chúng là gì? Người xem nên vui hay nên buồn cùng tác giả? Cảm xúc lẫn lộn một cách khôi hài", anh nhận xét.
Viết trên trang cá nhân Facebook, nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh cho rằng, bức ảnh thiên về truyền tải thông tin và nhấn mạnh tác phẩm nặng về nội dung văn học hơn là thẩm mỹ thị giác. “Tôi đồng ý là bức ảnh có truyền tải một số cảm xúc, nhưng tính nghệ thuật thì không thấy. Ánh sáng trong bức ảnh này bẹt, hoàn toàn không có chút đặc sắc nào. Nền trắng cũng bẹt thành một miếng cháy sáng. Điều này ảnh báo chí có thể chấp nhận, nhưng với ảnh nghệ thuật, đây là sự yếu kém trong việc giải quyết sắc độ”, anh Khánh khẳng định.
Ngày 31/8, trang Nhiếp ảnh đời sống đăng tải bài viết của NSNA Hoài Linh, thành viên BGK với nội dung giải thích về việc chọn Tân binh lên đường nhập ngũ cho giải cao. Ông viết: "Bức ảnh chân thật làm lan tỏa ý nghĩa cuộc sống, thể hiện cảm xúc phấn khởi, tự hào, yêu nước của người thanh niên Việt Nam trong ngày thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cảm xúc và ý nghĩa ảnh càng thể hiện rõ và mạnh mẽ hơn qua ống kính của tác giả bằng cách phản ánh sự tương phản giữa người con trai với người mẹ. Người con trai với nụ cười hớn hở, tự tin, trưởng thành khi được đứng vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, đối lập với giọt nước mắt chia tay bịn rịn xúc động, tự hào và hạnh phúc của người mẹ trong giờ phút chia tay. Khoảnh khắc bấm máy đúng thời điểm. Không dàn dựng về hình thức thể hiện trong một không gian chật hẹp, tác giả đã tập trung hết vào hình tượng nhân vật… Đây là thành công lớn nhất của tác phẩm và đã được cả 5 thành viên hội đồng giám khảo thống nhất đánh giá về mặt cảm xúc và nội dung".
Nhận xét về ý kiến trên, một phóng viên ảnh kỳ cựu nói với VietNamNet, không hiểu dựa vào cơ sở nào giám khảo Hoài Linh lại khẳng định đó là mẹ và con, nhất là có tới hai người phụ nữ trong khuôn hình. Về mặt thông tin báo chí, bức ảnh không chú thích rõ được nhân vật, người xem cũng không thể hiểu hết hoàn cảnh của tác phẩm. "Chưa biết ai là bà, ai là mẹ hay cô, dì, bác của người thanh niên. Do đó kể cả về mặt nội dung thì bức ảnh chưa truyền tải được hết thông điệp", anh nói.
Về chiếc ống kính lọt vào khung hình, giới chuyên môn xem ảnh đều thấy khó chịu bởi đây là chi tiết "rác". Nhưng ông Hoài Linh đã phân tích: “Quan sát kỹ phần ống kính bức ảnh. Tôi nhận thấy tác giả thật may mắn khi ống kính trong ảnh đã nằm phía trên viền chiếc mũ tím của người phụ nữ ở rìa ảnh, không che mặt, không che cảm xúc của nhân vật này… May mắn là vì, nếu ống kính phạm xuống khuôn mặt người phụ nữ thì bức ảnh này sẽ làm hỏng bố cục, nội dung của cảm xúc”.
“Chiếc ống kính máy ảnh không hiện lên đầu tiên, mà chính là gương mặt và nụ cười của chàng tân binh cùng với những người thân đang đưa tiễn hiện lên đầu tiên... Điều này cho thấy ống kính máy ảnh không phạm vào bố cục nội dung cần truyền tải của bức ảnh”, cựu biên tập ảnh báo Tuổi trẻ nhận xét.
Phân tích về ranh giới giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, NSNA Hoài Linh cũng nhấn mạnh, ảnh báo chí là cung cấp thông tin (ai, làm gì, ở đâu, khi nào, tại sao) mang cảm xúc đến bạn đọc và không được dàn dựng, còn ảnh nghệ thuật là được sáng tạo mang tính nghệ thuật, thể hiện cái nhìn cá nhân về ý tưởng, chủ đề và cảm xúc… “Nhưng không thấy ai đó nói rằng nếu ảnh báo chí mà đạt được cảm xúc của nghệ thuật thì có được gọi là ảnh nghệ thuật không? Và ngược lại”, ông Linh đặt câu hỏi.
Trao đổi với VietNamNet, NSNA Thanh Hà, cựu phóng viên ảnh TTXVN có cái nhìn đa chiều hơn. “Ảnh báo chí có mục tiêu chính là truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất, nó thường được sử dụng để minh họa cho các bài báo, đưa tin về các sự kiện đang diễn ra. Ảnh nghệ thuật phải có độ thẩm mỹ cao, được chụp ở góc độ độc đáo sáng tạo và có khả năng thu hút người xem, tập trung vào việc thể hiện cảm xúc, ý tưởng và quan điểm cá nhân của người nghệ sĩ. Nó có thể kể một câu chuyện ẩn chứa đằng sau bức ảnh, khơi dậy những cảm xúc sâu kín như niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận, sự đồng cảm... hoặc đơn giản chỉ là một tác phẩm đẹp mắt”, ông Hà nêu quan điểm.
Chia sẻ cùng VietNamNet, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hải Huy, một trong 5 thành viên BGK thừa nhận tác phẩm này không có yếu tố nghệ thuật. “Bản chất đó là bức ảnh có nội dung tốt, nhưng để nói có tiêu chí nghệ thuật thì không thấy bắt mắt. Ống kính lọt vào khung hình bị to quá nhưng nội dung thì ấn tượng bởi đan xen ba chiều cảm xúc của các nhân vật trong ảnh”, ông Hải Huy nói.
Nam giám khảo cũng tiết lộ, ở lượt chấm đầu tiên ông không chọn tấm đó mà thấy tâm đắc với bức hình người cảnh sát giao thông làm việc giữa đường. Tuy nhiên, các giám khảo khác đã gạt tác phẩm đó đi vì cho rằng nội dung đó nhàm chán nên ông phải theo họ.
Do không gặp gỡ trao đổi trước khi chấm nên các tấm ảnh vào chung kết còn ít sự lựa chọn. Giữa bộ ảnh hiến tạng Cho đi là còn mãi (đoạt giải Vàng) và tấm ảnh này, ông Huy thấy tác phẩm về đề tài sức khỏe kia cảm thấy gai người nên lúc đầu đã bỏ. "Tấm ảnh người tân binh này còn có cảm xúc hơn. Về mặt tuyên truyền hiến tạng cho đi là còn mãi thì tốt nhưng nếu đọng lại cái gai góc là hình ảnh nội tạng đó sẽ gây ám ảnh mãi. Vì vậy, tôi đã quyết định chọn bức hình người lính cho nhẹ nhàng”, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Quảng Ninh chia sẻ.
Ông Huy cũng thừa nhận bức hình đoạt giải Bạc về mặt nội dung thì tốt nhưng về nghệ thuật hay tiêu chí chấm an toàn thì các giám khảo phải chọn tấm ảnh khác. Trước đó, hội đồng giám khảo đã phải ngồi với nhau để thống nhất nhưng thực tế tác phẩm đó chưa được tất cả 5 “trọng tài” đồng thuận.
Ngày 25/8, Lễ Khai mạc triển lãm và trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024 khai mạc tại Hà Tĩnh được tổ chức. BTC cho biết, trong số gần nghìn tác phẩm gửi về dự thi, hội đồng giám khảo đã chọn ra được 105 tác phẩm ảnh (đơn và bộ) vào triển lãm, trong đó có 11 tác phẩm đoạt giải…
Đây không phải là lần đầu một bức ảnh đoạt giải bị cộng đồng mạng và giới chuyên môn phê phán. Tháng 6 vừa qua, Ban tổ chức Cuộc thi ảnh Việt Nam - điểm hẹn thế giới 2024 thông báo rút một số giải thưởng do phạm quy, trong đó tác phẩm Mâm xôi mùa cấy bị rút lại giải Nhất.
Năm 2021, Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội cũng vướng lùm xùm khi bức ảnh được trao giải Nhất Chúc mừng sinh nhật mẹ của tác giả Vũ Thị Thúy Hà bị tố có sự chỉnh sửa, chắp ghép, dàn dựng... Còn tác phẩm đoạt giải Ba có tên Tình yêu Tổ quốc của Lê Thị An Thu chụp một nữ công dân ngồi xe lăn tới điểm bỏ phiếu bầu cử cũng bị chỉ ra lỗi sơ đẳng như nhiều chữ trên phông của một sự kiện chính trị quan trọng đã bị cắt cụt.
Một số tác phẩm đoạt giải tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024: