- Hình ảnh người đàn ông sống dưới hình hài của một cậu bé, bị bó bọc bởi nilon và treo lơ lửng với những sợi dây vải trong suốt hàng chục năm qua đã khiến nhiều người chết lặng.

Ngày hôm qua, nhiều người dùng facebook chia sẻ hình ảnh nhói lòng về một người đàn ông bị bó bọc bởi nilon, xung quanh chằng chịt những dây vải chắp nối.

Chủ nhân facebook S.R cho biết, nhân vật chính trong bức ảnh là anh Cao Bá Quát (SN 1968, phường Quang Hanh, Cẩm Phả, TP Quảng Ninh). Do căn bệnh bại não, tê liệt, suốt 47 năm qua anh đã phải trải qua đời sống trong tình trạng treo tay chân, trên không.

{keywords}
Hàng chục năm nay người đàn ông này đã phải sống với những bọc nilon,  những dây vải chằng chịt khắp cơ thể

Trả lời PV VietNamNet, chị Cao Thị Thu Hương (chị gái anh Quát) cho biết, lúc ra đời, Quát hồng hào, lành lặn giống như những đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, một ngày nọ anh bị co giật và được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ kết luận anh bị mắc bệnh viêm màng não biến chứng tăng trương lực cơ và không có khả năng hồi phục.

Gia đình đã tốn nhiều tiền của, thời gian chạy chữa nhưng kết quả vẫn chỉ là số 0. Nhiều năm nay, để tiện cho việc chăm sóc ăn uống, gia đình đã phải bó chặt anh bằng những miếng túi nilon bọc đệm mút trên chiếc giường được thiết kế đặc biệt.

Chị cho biết thêm, việc bó cơ thể và treo lên là do Quát thường bị đau nhức, co giật. Cơ thể bị thối rữa từng ngày do không thể hoạt động. Mỗi lần đau đớn là anh lại vùng vẫy, cọ xát cơ thể xuống giường, mặt đất hoặc đồ vật xung quanh, chính vì vậy cơ thể anh đầy những vết thương, chảy máu. Bênh cạnh đó để thuận lợi trong việc ăn uống, vệ sinh và thay đổi tư thế chống mỏi cho Quát gia đình bất đắc dĩ phải "sáng tạo" ra chiếc giường này.

Chị Hương tâm sự, chị vừa đi mua thuốc cho Quát. "Một tháng em ấy dùng không biết bao nhiêu loại thuốc, đủ các loại bệnh trên đời. Hàng ngày,  việc đầu tiên là mẹ hoặc chị phải mua cho nắm xôi hay pha cho bát mì tôm để Quát ăn. Cho ăn phải là người nhà mới làm được chứ người lạ không thể làm bởi đút cho đứa trẻ lên 2, 3  còn dễ hơn việc cho Quát ăn".

Chị cũng chia sẻ thêm, mọi việc vệ sinh cá nhân của em trai mình phải làm tại chỗ và có người nhà hỗ trợ.

Được biết, gia đình chị có 5 người con thì 1 người đã mất, còn lại 3 chị em gái và Quát là con trai duy nhất. Do buồn chán hoàn cảnh gia đình, bố chị đã đi lấy người vợ khác và giờ cũng đã mất. Hai người em gái của chị cũng đi lấy chồng nên việc chăm sóc Quát do chị và mẹ đảm nhiệm. Mẹ chị (SN 1935) năm nay tuổi đã cao, bà buồn phiền nên sức khỏe yếu đi nhiều.

Trao đổi thêm với VietNamNet về câu chuyện của anh Cao Bá Quát, ông Đoàn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Quang Hanh khẳng định: "Hoàn cảnh gia đình anh Quát khá éo le". 

"Do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, anh Cao Bá Quát không còn khả năng tự phục vụ, phải sống phụ thuộc. Mọi sinh hoạt của anh đều phải được người thân hỗ trợ. Anh đang được hưởng mức trợ cấp cho người tàn tật nặng, người tâm thần là 600.000 đồng/tháng . Mẹ anh là bà Lê Thị Hòe nhận mức hỗ trợ cho người chăm sóc là 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do cảnh mẹ già, thiếu người trụ cột nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, rất thương tâm", ông Quang thông tin thêm.

Ngọc Trang