Cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tại Pleiku. Bức thư ngắn 280 chữ nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam và Tây Nguyên.
Đại hội các DTTS miền Nam họp ở Pleiku trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Nước Cộng hòa non trẻ chỉ vừa mới ra đời, bao nhiêu khó khăn chồng chất. Cuối năm 1945, thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Vận mệnh đất nước lúc này đang đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 19/4/1946, tại Pleiku đã diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam-Đại hội đoàn kết dân tộc chống thực dân Pháp. Địa điểm diễn ra Đại hội ngay tại khu vực nhà sàn của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Lai (nay là khu vực trụ sở Tỉnh ủy). Trên 1.000 đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Trung Bộ về dự.
Trong điều kiện đất nước vừa mới giành được độc lập, phải trực tiếp lãnh đạo lực lượng cách mạng để đối phó với nạn giặc ngoại xâm và củng cố chính quyền cách mạng, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn quan tâm đến Đại hội. Thị xã Pleiku là nơi diễn ra Đại hội cách Thủ đô Hà Nội trên 1.000 km, giao thông và phương tiện đi lại còn rất khó khăn nên Bác đã không thể đến dự. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã gửi thư đến Đại hội.
Tại Đại hội, các đại biểu đã vinh dự được đón nhận bức thư lịch sử của Bác do đồng chí Tố Hữu-Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, Phái viên Trung ương và đồng chí Bùi San-Phái viên Xứ ủy mang đến. Thư Bác Hồ gửi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc để đọc tại Đại hội. Ông Nay Phin-Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Gia Lai trực tiếp dịch thư Bác sang tiếng Jrai.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, khi gửi thư cho Đại hội các DTTS miền Nam, Bác Hồ đã chính thức là nguyên thủ quốc gia, là lãnh tụ tối cao của toàn dân và linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tư tưởng bao trùm nội dung thư Bác Hồ gửi Đại hội chính là tinh thần đoàn kết các dân tộc trong cả nước: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Từng đoạn, từng câu chữ của Bác luôn đề cập đến vấn đề đoàn kết các dân tộc để chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Những từ “ta”, “chúng ta” được Bác lặp đi, lặp lại nhiều lần như để khẳng định và nhấn mạnh một cái “chung”, một chân lý.
Trong thư, Bác nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam “nước Việt Nam là một”, “nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”…,”Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta”. Trong tình hình đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm, Bác tha thiết kêu gọi: “Tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Từ đó, Người nêu cao một sự thật, một chân lý “Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả đồng bào”.
Trong thư, Bác nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam “nước Việt Nam là một”, “nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”…,”Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta”. Trong tình hình đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm, Bác tha thiết kêu gọi: “Tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Nội dung thư của Bác nêu cao tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc và vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân của Nhân dân ta. Người căn dặn đồng bào các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh đập tan âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, góp phần bảo vệ chính quyền, giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Người chỉ rõ: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Tại Đại hội, các đại biểu xúc động được tặng ảnh Bác Hồ và nghe Lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thấm sâu tình cảm của Người đối với đồng bào Tây Nguyên. Nhiều đại biểu giữ bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt nhiều năm sau. Tiêu biểu như cụ Rơchơm Yút (làng Lút, huyện Chư Păh) với lòng tôn kính Bác Hồ đã vượt qua mọi nguy hiểm đến tính mạng, giữ trọn vẹn bức ảnh của Người suốt gần 20 năm chống Pháp, rồi đến chống Mỹ. Trong cao trào Đồng Khởi (1960-1961), làng của cụ được giải phóng, cũng là lúc cụ lâm bệnh nặng. Biết không thể qua khỏi, cụ trao kỷ vật thiêng liêng đó cho cán bộ cách mạng. Năm 1963, Tỉnh ủy Gia Lai chuyển bức ảnh Bác Hồ đó cho Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
Dù đã 77 năm kể từ ngày Người viết thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam, những chỉ dẫn ân cần, sâu sắc của Người về Đoàn kết - Yêu nước, về Độc lập - Tự do vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, mới mẻ đến tận hôm nay và mai sau. Để lưu giữ bức thư lịch sử, ngày 28/3/2006, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Gia Lai khánh thành Di tích thư của Bác Hồ được khắc bằng bia đá, đặt tại vị trí diễn ra Đại hội năm 1946.