Tích cực tuyên truyền chính sách, quyền lợi

Để thực hiện hiệu quả chương trình, huyện đã tuyên truyền về chính sách, đối tượng thụ hưởng, quyền lợi khi tham gia chương trình đến chính quyền và nhân dân các xã để mỗi đối tượng thụ hưởng nắm bắt được thông tin. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, đối tượng.

Trong giai đoạn 2015-2019, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã được Chương trình 135 hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Đến nay, nhiều dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đang giúp người dân trong huyện vươn lên thoát nghèo.

{keywords}
Chương trình 135: Giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đối với gia đình anh Bùi Văn Châu, thôn Đồng Trư, xã Thành Công, năm 2017 cũng được hỗ trợ một con bò giống trị giá 10 triệu đồng. Cùng với đó anh được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Sau 3 năm được thụ hưởng Chương trình 135, đến nay gia đình anh Châu từ một hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá. Trang trại của anh có diện tích 4 ha, trong đó có 10 con dê, 8 con trâu, bò sinh sản, 3 ha cây keo, cao su, mía... cho thu nhập bình quân khoảng 170 triệu đồng/năm.

Chị Quách Thị Đạo, thôn Bất Mê, xã Thành Công cho biết: Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, năm 2016, chị được nhận một con bò trị giá 10 triệu đồng theo Chương trình 135, chị bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi, kết hợp trồng trọt. Chịu thương, chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, sau hơn 4 năm, đến nay, chị Đạo đã phát triển trang trại của gia đình lên 3 ha, trong đó 1 ha mía, 1 ha cây keo, 0,5 ha cao su. Diện tích còn lại chị xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân hàng năm khoảng 80 triệu đồng.

Bố trí các nguồn vốn từ Chương trình 135 hợp lý, đúng tiêu chí, trọng tâm

Ông Hà Đức Tâm, Chủ tịch UBND xã Thành Công, cho biết: Việc bố trí các nguồn vốn từ Chương trình 135 hợp lý, đúng tiêu chí, trọng tâm, trọng điểm và cách tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới không còn tình trạng bình quân, đúng với nhu cầu người dân đã thật sự tạo ra được hướng đa dạng sinh kế cho người dân với nhiều mô hình giảm nghèo mang tính bền vững. Nếu như thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2013 đạt 14,5 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 32 triệu đồng/người/năm. Công tác giảm nghèo trong xã đã đạt được nhiều thành công, kinh tế có bước phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Không chỉ có xã Thành Công, nhiều địa phương tại huyện Thạch Thành cũng đã thực hiện hiệu quả Chương trình 135. Nhờ đó, đến hết năm 2019, toàn huyện chỉ còn 1.361 hộ nghèo, tương đương 3,76%. Nhiều công trình, dự án được quan tâm đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Các dự án, nhất là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Diệu Thúy
Ảnh: Thanh Bình