Khi học sinh năm đầu bậc tiểu học ở Mỹ vẫn chưa thành thạo các phép cộng trừ, thì con trai của ông Huang Quanyu đã biết nhân chia nhiều chữ số. Tuy nhiên, giáo viên vẫn đánh giá cậu mới chỉ có “kỹ năng số học”, chứ chưa thực sự có tư duy toán học. Nhận định này đã làm tiến sĩ Huang suy nghĩ rất nhiều.
“Những đứa trẻ Trung Quốc đang học tại Mỹ thường nổi tiếng về khả năng tính nhanh. Ví dụ, nếu cô giáo đặt câu hỏi: “4 + 3 bằng mấy?”, trong khi trẻ em người Mỹ phải đếm nhẩm bằng ngón tay, con trai tôi đã có thể đưa ra đáp án: “4 + 3= 21 : 3”.
“Thế nhưng, việc sớm biết dùng phép nhân chia như vậy lại không đươc đánh giá cao tại đây. Sau khi tham khảo một số tiết học toán, tôi nhận ra người Mỹ dành nhiều thời gian để giúp trẻ rèn tư duy toán học và suy luận logic hơn là chỉ rèn kỹ năng tính toán hay nhớ công thức”, ông Huang chia sẻ.
Theo ông Huang, giáo dục tại Mỹ phân biệt khá rõ giữa số học và toán học. Số học hay kỹ năng tính toán, các công thức nhân, chia, cộng, trừ chỉ là một phần rất nhỏ của toán học. Toán học là môn nghiên cứu về các con số. Các em học sinh phải biết sử dụng toán học để giải thích cho các hiện tượng trong đời sống.
Ban đầu, ông Huang Quanyu thậm chí còn thử mua sách toán lớp 6 tại Mỹ cho con trai làm, và cậu bé làm được. Hết học kỳ I, ông Huang mạnh dạn đề nghị nhà trường sắp xếp cho con mình có thể học toán cùng khối lớp 3, và sau đây là bức thư hồi đáp từ phía lãnh đạo nhà trường.
“Chúng tôi đã thảo luận với TS. Robert – Hiệu trưởng nhà trường và TS. Mike Williams, trợ lý giám đốc về yêu cầu của ngài. Chúng tôi muốn ngài hiểu rằng, môn toán được dạy ở trường nhấn mạnh đến các khái niệm ẩn sau các con số. Các em sau khi học có thể giải thích được các công thức bằng lời nói hoặc văn bản, thay vì học thuộc lòng các quy tắc số học”.
“Một số phép toán mà học sinh lớp 1 tại Mỹ không được học như tại Trung Quốc, ví dụ như phép nhân và chia. Bản thân chúng tôi cho rằng các phép toán này chưa phù hợp với lứa tuổi lớp 1. Chúng tôi đã có các phương pháp thay thế để các em hiểu bản chất của phép nhân, chia trước khi học thuộc các quy tắc tính toán”.
“Mining, con trai của ngài là một học sinh xuất sắc với tư duy tốt. Chúng tôi tự tin rằng, trong lớp học toán sẽ có các hoạt động giảng dạy đủ để thử thách trí thông minh của Mining. Tuy nhiên, nếu ngài vẫn muốn mượn sách giáo khoa toán lớp 3 để sử dụng tại nhà, chúng tôi sẽ vui lòng sắp xếp”.
Khi mới đọc xong bức thư này, TS. Huang đã không tin tưởng lắm, nhưng sau một thời gian ông đã thay đổi suy nghĩ của mình.
“Bức thư của nhà trường rất đặc biệt về cách diễn đạt. Ví dụ, khi nói về việc dạy toán ở các trường Trung Quốc, họ sử dụng từ “số học”. Còn khi nói về việc dạy ở Mỹ, họ luôn sử dụng từ “toán học”. Lãnh đạo nhà trường đã giúp tôi hiểu được toán học không chỉ là tính toán, áp dụng các công thức. Bản chất của toán là rèn luyện tư duy. Đây cũng là một lĩnh vực đầy những thay đổi và có các khám phá mới. Học toán giúp các em học sinh hiểu được các hiện tượng và mối quan hệ khác nhau ngoài đời sống”.
“Tại Trung Quốc, toán học đang khá thực dụng khi gắn liền với mục tiêu cụ thể. Các em học sinh phải học toán thật tốt để thi đỗ cấp 3, sau đó là đỗ đại học với điểm cao để có việc làm tốt. Không có gì lạ khi nhiều em nghĩ toán học khô khan và buồn tẻ”, TS. Huang Quanyu chia sẻ.
Thời Vũ (Theo Sohu)
Điểm môn Toán của học sinh 13 tuổi ở Mỹ gây sốc
Dữ liệu Đánh giá Quốc gia về Tiến bộ Giáo dục (NAEP) cho thấy, điểm kiểm tra môn Toán và Đọc của học sinh 13 tuổi ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.