Không thể phủ nhận những đóng góp của các cổ đông lớn cho Eximbank, nhất là cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sau khi rót 225 triệu USD vào năm 2007 để sở hữu 15% cổ phần của Eximbank. Sự xuất hiện của tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản đã giúp Eximbank nhanh chóng vươn lên thuộc nhóm dẫn đầu khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân về lợi nhuận, giai đoạn 2010-2011.
Tuy nhiên, một thương hiệu mạnh như Eximbank sau đó nhanh chóng suy yếu sau những rạn nứt từ HĐQT, dẫn đến việc ngân hàng bỏ lỡ quá trình tái cấu trúc và ngày càng bị đối thủ bỏ xa về mọi mặt khiến các cổ đông nhỏ lẻ cũng như khách hàng không khỏi xót xa.
Sau khi ông Lê Hùng Dũng rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT vào năm 2015, Eximbank liên tục thay chủ tịch. Sau mỗi lần đổi ghế chủ tịch HĐQT là một cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhóm cổ đông.
Biến động nhân sự cấp cao kể từ khi ông Lê Minh Quốc ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, kéo dài nhiều năm chưa có hồi kết, do cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung.
Năm 2016, Eximbank đã không thể tiến hành ĐHĐCĐ thường niên do không thống nhất được số lượng thành viên HĐQT là 9 hay 11 người.
Đại diện cho 2 nhóm cổ đông lớn nắm giữ hơn 20% cổ phần là bà Nguyễn Thị Xuân Loan (đại diện cho Nam A Bank) và ông Phạm Hữu Phương không được đồng ý bổ sung vào danh sách ứng cử thành viên HĐQT là nguyên nhân chính khiến ĐHĐCĐ không thể diễn ra như dự định. Sự việc khiến cho NHNN phải yêu cầu rà soát lại một số thông tin liên quan đến các ứng viên đề cử vào HĐQT Ngân hàng giai đoạn mới.
Năm 2019 là thời gian đỉnh điểm của việc tranh chấp chiếc ghế chủ tịch ngân hàng, hay nói đúng hơn là tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn.
Cụ thể, ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT và bãi nhiệm chức vụ của ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc đã khởi kiện các thành viên HĐQT, yêu cầu TAND TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
TAND TPHCM đã chấp thuận, tới 5/2019 thì hủy bỏ. Bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn tiếp tục là Chủ tịch Eximbank theo Nghị quyết 112. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ngày 15/5/2019, ông Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục là người ký Nghị quyết 231 chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112 bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT.
Ông này sau đó xin từ nhiệm và ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT Eximbank kể từ 22/5/2019.
Hơn 1 tháng sau, ông Ninh lại xin từ chức với lý do những mâu thuẫn kéo dài của các nhóm cổ đông và cổ đông Eximbank vẫn chưa thể dung hòa.
Thay thế ông Cao Xuân Ninh là ông Yasuhiro Saitoh. Trước đó, năm 2015 chính SMBC đề cử ông Yasuhiro Saitoh tham gia HĐQT nhưng đến tháng 5/2019, SMBC lại có thông báo gửi đến Eximbank khẳng định, kể từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là người đại diện của SMBC.
Những tranh chấp quyền lực tại đây dường như không có hồi kết. Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Eximbank gây kinh ngạc khi bất ngờ ban hành 2 nghị quyết trong một ngày để miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT, để rồi sau đó bầu lại ngay chính người vừa miễn nhiệm. Điều đáng ngạc nhiên là hai nghị quyết trái ngược nhau này lại cùng căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT và chỉ cách nhau 25 phút.
Cho đến năm 2022, hai ngày sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 (trước đó bị hoãn do Covid-19 và những bất đồng), Eximbank đã bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh. Ngay sau đó, HĐQT đối mặt với sức ép phải giải trình trước các cổ đông vụ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cổ phiếu dẫn đến làm giảm thu nhập của Eximbank.
Eximbank đang giữ kỷ lục về số lần thay đổi chủ tịch HĐQT và số lần huỷ/hoãn họp ĐHĐCĐ trong 10 năm qua.
Trong đó, có chủ tịch chỉ giữ ghế nóng trong vòng… chưa đầy nửa tiếng, có người thì ngồi ghế nóng được 5 ngày.
Việc không có được sự ổn định, đoàn kết trong HĐQT khiến cho chính ngân hàng phải chịu nhiều thiệt thòi vì bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển, cùng với đó là thiệt hại cho các cổ đông nhỏ lẻ khi nhiều năm liền họ không nhận được cổ tức.
Những bất ổn kìm hãm sự phát triển của Eximbank trong suốt nhiều năm, không tương xứng với những tiềm lực mà nhà băng này sở hữu. Điều cổ đông mong mỏi, là sự ổn định từ thượng tầng và những chiến lược phát triển đột phá, có thể đến ngay từ Đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng vào ngày 28/11 tới đây.