- Nhà văn Bùi Anh Tấn khẳng định anh đã “cho” không ý tưởng, nhưng nhà sản xuất lại “úp mở” về số tiền tác quyền mà anh nhận được.

 

Câu chuyện “vỡ” ra trong buổi họp báo đóng máy của Thiên mệnh anh hùng tại rạp Megastar CT Plaza, TP.HCM hôm đầu tuần, 12.12, khi một phóng viên đặt câu hỏi về số tiền tác quyền mà nhà sản xuất đã chi để mua lại ý tưởng của nhà văn Bùi Anh Tấn.

Bà Phan Thị Lệ, giám đốc Phương Nam phim (một trong ba nhà sản xuất) nói: “Về tác quyền, tôi cũng không thể công bố là bao nhiêu. Nhưng có một thỏa thuận mà tôi nghĩ nhà văn cũng hài lòng”.

Có mặt và phản ứng câu trả lời này ngay tại buổi họp báo, nhà văn Bùi Anh Tấn cười trừ: “Nhà sản xuất nói thế thì tôi cũng không biết nói thế nào”. Sáng ngày 15.12, trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet, nhà văn chính thức lên tiếng đính chính lại câu chuyện này.


Nhà văn Bùi Anh Tấn, tác giả của nhiều tiểu thuyết ăn khách

 

- Là tác giả của tác phẩm văn học “Bức huyết thư” mà bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” đã lấy ý tưởng để xây dựng kịch bản, anh có tham gia vào việc xây dựng bộ phim?

-  Phương Nam phim, mà đại diện là bà Thủy (thời điểm đó là Giám đốc Phương Nam Book) có gặp xin phép tôi về việc lấy ý tưởng của tiểu thuyết Bức huyết thư để xây dựng một kịch bản phim. Sau đó có gửi tôi một hợp đồng bản quyền yêu cầu tôi ký vào. Tuy nhiên, vì thấy hợp đồng rất nhiều điều khoản lằng nhằng nên tôi quyết định “cho” không họ ý tưởng.

Thế nên, thực lòng mà nói, bộ phim này và tôi không hề có ràng buộc pháp lý nào và tôi cũng không được nhận một đồng xu tác quyền nào từ các nhà sản xuất bộ phim này cả. Dù vậy, tôi vẫn xem bộ phim là đứa con tinh thần của mình. Tôi vẫn theo dõi quá trình làm phim, tham gia mấy cuộc họp bàn bạc, tư vấn cho đạo diễn, biên kịch… nhất là về kiến thức lịch sử.

Thú thật là luôn có những cuộc điện thoại hỏi ý kiến tôi này kia, khá mất thời gian, tuy nhiên tôi vẫn vui vẻ. Khi làm việc với nhóm biên tập, đạo diễn, tôi có nhắc là họ đang làm phim liên quan đến Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa cũng như một số nhân vật lịch sử có thật. Dù câu chuyện thuộc về một nhân vật hư cấu là hậu duệ của ông nhưng cũng phải thông qua đó xây dựng được hình tượng và khí phách Nguyễn Trãi. Cũng như, chuyển tải được tinh thần “Lấy chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn” của ông.



Các nhà sản xuất Thiên mệnh anh hùng đã lấy ý tưởng câu chuyện phim từ tác phẩm văn học Bức huyết thư, tập hai của bộ truyện Nguyễn Trãi của nhà văn Bùi Anh Tấn.

 

Tôi rất quý những anh em làm bộ phim này từ đạo diễn Vicotr Vũ đến biên kịch Hồng Phúc, Minh Đức…thật đáng ngạc nhiên cho nhà sản xuất (bà Lệ-Phương Nam phim) là trả lời hôm họp báo đóng máy với các phóng viên báo chí rằng “hợp đồng bản quyền” giữa tôi và họ là “bí mật”(?!) tạo cho tôi sức ép đồn thổi rằng chắc tôi đã nhận “nhiều chục…trăm triệu đồng” tiền bản quyền bởi bộ phim này được đầu tư những 25 tỉ.

Và hôm đó, vì tôn trọng, giữ uy tín cho nhà sản xuất, không muốn làm không khí buổi họp báo mất vui nên tôi đành im lặng cho qua thì nay xin phép cho tôi được nói lại, tôi không nhận một xu nào từ phía nhà sản xuất, thậm chí một lời cám ơn chính thức của họ với tôi cũng chưa hề có, thật đáng buồn, bẽ bàng.

Mặc dù không góp được công sức bao nhiêu cho bộ phim nhưng tôi tự hào cũng có tham gia chút ít gì đó rất nhỏ bé của mình trong đó. Sau đó tôi có liên lạc với anh Minh Đức-phụ trách PR của bộ phim này, cẩn thận hỏi lại là các anh chị nghĩ sao về điều này, tôi không cần tiền và tiếng từ bộ phim này nhưng tôi không thể “lừa” báo chí, rất tiếc anh Minh Đức không có thẩm quyền giải quyết mà nhà sản xuất thì “biến mất tăm” nên nay tôi xin công bố sự thật như vậy, tôi chịu trách nhiệm về phát ngôn này của mình.

- Các nhà làm phim có bối cảnh lịch sử VN thời phong kiến đang chịu nhiều sức ép khi bị dư luận “soi” những điểm tương đồng với các bộ phim dã sử, võ hiệp Trung Quốc. Anh có nghĩ chuyện này sẽ lại xảy ra với Thiên mệnh anh hùng?

- Qua một số hình ảnh, đoạn phim quảng bá mà họ gửi cho tôi, tôi nhận thấy phim rất đẹp, bối cảnh và nhân vật đều lộng lẫy. Tôi có hỏi, đạo diễn và biên kịch cho biết họ đã định dạng lại câu chuyện, không đặt nó trong một thời đại cụ thể nào. Tôi cũng không phải nhà sử học để có thể phân tích tường tận nhà cửa, trang phục… họ dùng có đúng hay không, nhưng tôi hiểu họ muốn làm một bộ phim đẹp, thực sự giải trí cho khán giả.

 


"Thiên mệnh anh hùng" của đạo diễn Victor Vũ có chi phí được công bố lên tới trên 25 tỷ đồng.

 

- Nhưng làm một bộ phim đẹp và làm một bộ phim trung thành, tôn trọng bối cảnh lịch sử mà nó đặt vào là hai chuyện rất khác nhau. Theo anh, đâu là phạm vi giới hạn của thủ pháp hư cấu?

- Tôi nghĩ là do mình không có nhà chép sử lớn như Tư Mã Thiên của Trung Quốc cùng những bộ sử quy mô và chi tiết. Ngay như Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ ghi chép chung chung: ngày hôm đó, vua đến thăm ai, có mưa, rồng hiện… Muốn làm sống lại câu chuyện, người sáng tạo phải dựng thêm nhà cửa, quần áo, xe cộ, lời thoại… Và như thế, câu chuyện là của riêng người sáng tạo mất rồi. Trong trách nhiệm của người viết văn, tôi vẫn phải dàn dựng lại bối cảnh với sự nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản để lại. Có những lúc, tôi lục lọi hết các sách để tìm xem đai áo ngày xưa được mô tả như thế nào. Nguyên tắc của tôi là bám chắc lịch sử.

- Hiện vẫn có luồng ý kiến tranh cãi về việc sử dụng các chất liệu lịch sử để làm ra những câu chuyện thuần túy giải trí. Anh nghĩ gì về điều này?

- Tôi có xem qua trước kịch bản. Nó chỉ là ý tưởng của tiểu thuyết, và đi theo một đường dây câu chuyện hoàn toàn khác với tiểu thuyết của tôi. Thế nên tôi đã từng nói với biên kịch rằng thôi các anh cứ làm một bộ phim mới hoàn toàn đi, đừng để tên tôi vào làm gì vì nó không giống gì với tiểu thuyết của tôi, cũng như khác rất xa so với những gì tôi hiểu về Nguyễn Trãi. Tuy nhiên biên kịch cho rằng cần phải có tên tôi lẫn Nguyễn Trãi trong bộ phim này thì mới có “giá trị” nên tôi đành “tôn trọng” họ. Tôi cho rằng đây là một bộ phim võ hiệp kỳ tình mang nặng tính thương mại khi khai thác… hoàn toàn không phải là phim lịch sử, tội nghiệp cho Nguyễn Trãi, ông chỉ là “cái cớ” thôi.

Thật ra, tôi rất “ngạc nhiên” khi một đạo diễn Việt kiều như Victor Vũ, lớn lên trong nền văn hóa “ăn nhanh nói nhanh” của Mỹ nhưng anh đã dám về nước làm một phim về lịch sử, điều đó là hết sức đáng trân trọng, động viên. Hơn nữa, trong thời điểm khó khăn này, các nhà sản xuất tư nhân chịu bỏ tiền ra làm phim thuộc thể loại này cũng là điều đáng khuyến khích.

Minh Chánh thực hiện