Nhìn lại công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn 10 năm trước (2011-2021), Bộ Tư pháp đã tích cực phát huy vai trò "nhạc trưởng", thường trực Ban Quản lý Chương trình 585 đã đưa công tác này đi vào thực tế một cách hiệu quả. Trong đó, hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp được chú trọng nhiều nhất.
Theo đó, các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh được tổ chức với con số tổng cộng 369 Tọa đàm.. Nội dung các hội thảo, tọa đàm chủ yếu tập trung vào việc góp ý hoàn thiện các dự thảo luật, các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, pháp luật về thuế, pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh...
Trong những năm gần đây, nội dung các hoạt động chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục triển khai các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đáng chú ý, có nhiều đề xuất các vấn đề liên quan đến triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; tháo gỡ những bất cập, khó khăn và giải pháp pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, như: blockchain, kinh tế chia sẻ; các vấn đề pháp lý trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền tài sản, bảo vệ quyền tài sản, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp....
Đặc biệt năm 2023, Chương trình mở rộng đã tổ chức hàng chục tọa đàm, hội thảo để triển khai Đề án 345.
Đáng chú ý, các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đẩy mạnh.
Mục tiêu của các hoạt động này là nâng cao nhận thức về pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác pháp chế doanh nghiệp. Thông qua đó, cán bộ pháp chế doanh nghiệp đã được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế cũng như tăng cường năng lực cho tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và pháp chế các Sở, ban, ngành.
Thống kê sau 10 năm, có 300 lớp bồi dưỡng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước (trong đó, có 07 tỉnh làm điểm: Cần Thơ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Quảng Ninh), thu hút gần 15.000 lượt đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tham dự (với số lượng đại biểu tham dự trung bình từ 70 đến 100 người/01 lớp).
Đồng thời, có 117 lớp bồi dưỡng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung các tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội, Long An, Nam Định, An Giang, Ninh Bình, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...; thu hút gần 11.000 lượt cán bộ pháp chế, luật sư, luật gia, cố vấn pháp luật cho doanh nghiệp tham dự (với sự tham gia trung bình từ 70-100 đại biểu/1 lớp).
Đối tượng tham dự chủ yếu là lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ các phòng ban, cán bộ pháp chế, kế toán doanh nghiệp. Các chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư.
Bên cạnh đó, với yêu cầu về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, các lớp bồi dưỡng đã tập trung hướng dẫn các kỹ năng liên quan, như: kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật; kỹ năng tư vấn pháp luật; kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng; kỹ năng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.
Ngoài ra, có 36 tọa đàm, 135 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó tập trung tại các tỉnh, thành phố có nhiều nhu cầu, như: Hà Nội, Quảng Bình, Tuyên Quang, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Nha Trang, Đà Nẵng...; thu hút hơn 16.000 lượt đại biểu cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tham dự (với số lượng đại biểu tham dự trung bình từ 60-100 đại biểu/01 lớp). Nội dung tập trung vào giải quyết các vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các tài liệu bồi dưỡng được thẩm định, phê duyệt trước khi in ấn, phát cho doanh nghiệp. Đây được coi như những cuốn cẩm nang theo từng lĩnh vực để cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tham khảo, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Như vậy, có để nói rằng, các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, kiến thức pháp luật kinh doanh, đồng thời được trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các nhà quản lý, chuyên gia đã góp phần phòng tránh rủi ro pháp lý, hoạch định các chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, hoạt động này cũng đã thiết lập được diễn đàn trao đổi đa chiều, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, qua đó, có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách, khắc phục bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.