Ninh Thuận là địa phương thu hút nhiều dự án điện mặt trời nhất, và cũng là một trong 2 tỉnh diễn ra tình trạng quá tải lưới điện 110 kV. Điều này khiến các dự án điện mặt trời, kể cả điện gió bị giảm công suất phát lên lưới.

{keywords}
Ninh Thuận bùng nổ đầu tư điện mặt trời, điện gió trong thời gian rất ngắn. Ảnh: Lương Bằng

Tại buổi làm việc mới đây với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thủ tướng đã đồng ý cho Ninh Thuận phát triển 2.000 MW điện mặt trời đến năm 2020. Đến nay đây là địa phương thu hút nhiều dự án nhất với gần 1.200 MW điện mặt trời vào vận hành, vượt cả quy hoạch điện 7.

“Chính vì sự phát triển nhanh, trong khi thủ tục đầu tư lưới điện theo quy trình của nhà nước không theo kịp, dẫn đến tình trạng giảm phát và các vấn đề khác”, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá.

Thực tế, do quá tải lưới điện 110 kV, nhiều nhà máy chỉ phát được 30-40% lên lưới. Đề cập rõ hơn tình trạng quá tải lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận, đại diện Công ty CP tư vấn xây dựng điện 4 cập nhật số liệu mới nhất về công suất nguồn năng lượng tái tạo ở hai tỉnh này tính đến tháng 11/2019.

Cả Ninh Thuận và Bình Thuận có tới 2.100 MW điện tái tạo vào vận hành, chiếm một nửa công suất các dự án điện tái tạo của cả nước. Chưa kể, có tới hàng nghìn MW điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện hay được bổ sung quy hoạch, chờ triển khai.

Trong khi đó, tại quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh, công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đến năm 2020 của cả nước vẫn chỉ đặt ra ở con số rất thấp là 2.060 MW.

Như vậy, chỉ tính riêng Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời đã vượt quy hoạch cho cả nước.

Đại diện Công ty CP tư vấn xây dựng điện 4 cho biết: Việc quá tải đường dây mới chỉ diễn ra ở lưới điện phân phối 110 KV, còn lưới truyền tải chưa bị ảnh hưởng, vẫn đáp ứng đủ nhu cầu truyền tải.

Tuy nhiên, đại diện Tư vấn điện 4 lưu ý: Trong giai đoạn tiếp theo, cần nghiên cứu bổ sung thêm lưới điện đồng bộ khi thực hiện bổ sung thêm các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực hiện đang lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch nhằm tránh gây quá tải hệ thống điện.

{keywords}
Điện mặt trời quá tải nên cần đẩy mạnh đầu tư đường dây để không bị lãng phí

Khảo sát thực tế tại hàng loạt công trình trạm biến áp, lưới truyền tải ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho rằng: Việc giảm công suất phát nhà máy năng lượng tái tạo không phải do lưới truyền tải điện. Bởi nhiều dự án truyền tải còn thực hiện vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, ông Đặng Phan Tường cũng lưu ý việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, phải tính đến tương lai, tính đến các nhà máy điện sắp vào vận hành, đảm bảo khi lưới phân phối 110 kV cải thiện được, đẩy lên lưới truyền tải thì không bị quá tải.

Giải thích rõ hơn về điều này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ: Thực tế, điện từ đường dây 110 kV "chạy" lên đường dây truyền tải 220 kV, rồi "chạy" lên đường dây 500 kV đi tỉnh khác.

Ví dụ, khu vực Ninh Thuận sản xuất được hơn 1.000 MW điện mặt trời, nhưng nhu cầu sử dụng tại tại chỗ chỉ có 100 MW, như vậy phải chuyển đi nơi khác hơn 900 MW. 900 MW này chạy qua đường dây truyền tải 220 kV, qua đường dây 500 kV đi tỉnh khác.

Cho nên, trước mắt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận mới xảy ra quá tải ở đường dây 110 kV. Nhưng khi giải quyết được việc quá tải ở đường dây 110 kV, thì nguy cơ sẽ xảy ra quá tải đường dây 220 kV, rồi 500 kV nếu không đẩy mạnh đầu tư đường dây truyền tải. 

Vì thế, EVN đang thúc đẩy các đơn vị cải tạo hệ thống đường dây 110 kV ở Ninh Thuận, Bình Thuận để giải quyết tình trạng quá tải. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các dự án lưới điện trong giai đoạn đến năm 2025 theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, quyết định 1891/TTg-CN và 667/QĐ-BCT đảm bảo giải phóng công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo.

“Đến hết 2020, giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước tháng 7/2019”, đại diện EVN khẳng định.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất là hơn 4.442 MW.
Nếu tính cả các nhà máy điện gió, tổng quy mô công suất đặt nguồn điện năng lượng tái tạo toàn quốc là 4.880 MW, trong đó tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận và Bình Thuận. 

Lương Bằng

Nguồn điện vô tận giải cứu Việt Nam trước mối nguy thiếu điện

Nguồn điện vô tận giải cứu Việt Nam trước mối nguy thiếu điện

Năm 2023 dự kiến sẽ thiếu điện. Nhiều dự án nhiệt điện thiếu vốn, chậm tiến độ. Việc huy động tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo được xem như một giải pháp có thể phát huy ngay tác dụng.