Ngày 4/12, chia sẻ với đoàn công tác Bộ Y tế, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết chuyển đổi số hướng đến mô hình bệnh viện thông minh, đơn vị này đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ đạt mức 6/7 theo nhóm tiêu chí hạ tầng của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ Việt, cách đây chỉ 1-2 năm, tình trạng bệnh nhân đến viện từ lúc 4h sáng để chờ khám không hiếm. "Tôi từng nghe không ít cuộc điện thoại của bệnh nhân than phiền do phải chờ đợi, vì thế càng quyết tâm triển khai đặt lịch khám trực tuyến", ông cho biết.
Nếu đầu năm 2024, tỷ lệ đặt lịch khám trước qua trực tuyến chỉ 15% thì nay đã nâng lên 50%. Hình thức đặt lịch được triển khai qua điện thoại, zalo, website bệnh viện, qua app,... Lịch hẹn được trải đều trong ngày giúp hạn chế tình trạng quá tải cục bộ. Bệnh nhân chỉ cần đến viện trước lịch hẹn 10 phút, không phải mua sổ giấy khám bệnh nếu không có nhu cầu. Quá trình khám chữa bệnh chỉ cần một mã QR để đi khắp các khoa, phòng.
"Bệnh nhân, kể cả người nhà tôi, vào viện không cần quen biết, nhờ vả ai để được xếp lịch khám hay chụp chiếu sớm. Người dân có thể mang tay không khi đi khám", Giám đốc Nguyễn Bá Việt nói với VietNamNet ngày 4/12.
Đây cũng là cơ sở thuộc nhóm bệnh viện tiên phong trong cả nước sử dụng bệnh án điện tử (EMR), phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án và thông tin bệnh viện, phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (HIS-LIS), hệ thống lưu trữ truyền tải hình ảnh y khoa (PACS), giúp phối hợp thanh quyết toán BHYT, minh bạch hóa hoạt động khám chữa bệnh.
Việc chuyển đổi số y tế, xoá sổ hồ sơ giấy, đơn thuốc giấy, không in phim nhựa, giúp bệnh viện tiết kiệm được hàng tỷ đồng và giảm thải chất thải nhựa, chất thải nguy hại, bảo vệ môi trường bệnh viện.
Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa I Ngô Quang Chức, Trưởng khoa, chia sẻ trước đây, bệnh viện phải in ra khoảng 3.000 phim/tháng, riêng tiền mua phim "ngốn" 1,5 tỷ đồng/năm. Việc xử lý nước rửa phim rất phức tạp, tốn kém do phim nhiễm chì. Nếu không kiểm soát tốt, lượng chất thải này sẽ gây nhiễm độc, ô nhiễm môi trường.
Với chuyển đổi số, điều khiến bệnh nhân hài lòng nhất là được chủ động nắm rõ quá trình khám chữa bệnh mà không phải thấp thỏm chờ đợi không biết bao giờ tới lượt, bao giờ có kết quả... Tổng thời gian từ lúc đến viện tới lúc ra về giảm hơn 2 giờ đồng hồ. Bác sĩ thuận lợi trong chẩn đoán, điều trị; khi đi buồng thăm khám có thể tra cứu thông tin bệnh nhân bằng phần mềm trên điện thoại thay vì lật từng trang bệnh án giấy.
Chuyển đổi số giúp xoá bệnh án giấy, loại bỏ phim nhựa cũng giúp bệnh viện giữ môi trường sạch, tránh bụi bặm, đồng thời tiết kiệm nhiều kho lưu trữ kéo dài hàng chục năm, chưa kể việc quản lý, xử lý phim rất phức tạp vì cần đơn vị vận chuyển, tiêu huỷ đủ tiêu chuẩn.
Quảng Ninh hiện là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số y tế và các giải pháp giúp bệnh viện xanh sạch đẹp, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Để giữ môi trường y tế sạch, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí áp dụng mô hình chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, được lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đánh giá cao.
Năm 2023, tổng số chất thải lây nhiễm phát sinh tại bệnh viện này là hơn 45 tấn. Theo tính toán, lợi nhuận thu được khi sử dụng phương pháp hấp để xử lý chất thải y tế nguy hại lây nhiễm thành chất thải thông thường và bán chất thải tái chế là gần nửa tỷ đồng.
Chưa kể, giải pháp tái chế chất thải nhựa y tế bằng phương pháp hấp góp phần giảm lượng chất thải nhựa, từ đó giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường; thay thế hoàn toàn phương pháp đốt và phương pháp xử lý bằng hóa chất, không phát sinh khói bụi. Chất thải nhựa sau khi hấp trở thành chất thải nhựa thông thường, có thể sử dụng để tái chế thành các sản phẩm khác.
Nhìn nhận việc chuyển đổi số y tế mang lại nhiều lợi ích trong đó có bảo vệ môi trường, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh chuyển đổi số, sử dụng bệnh án điện tử. Đến nay, mới có hơn 100 bệnh viện trên cả nước (cả công lập và tư nhân) công bố sử dụng bệnh án điện tử.