Phong trào xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Khóa XV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Những năm qua, UBND tỉnh Lai Châu, chính quyền đoàn thể cũng như các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2021 – 2025.

Tại một số địa phương, phong trào thi đua đã mang lại kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. 

Cảnh quan nông thôn ngày càng khởi sắc (Bản Sì Thâu Chải, Tam Đường). Ảnh: Lê Anh Dũng

Bước chuyển mình mạnh mẽ từ nông thôn mới

Trong chuyến công tác tại Bản Lang (Phong Thổ) mới đây, đoàn chúng tôi rất ấn tượng trước những con đường bê-tông kiên cố hóa, nếp nhà khang trang…

Theo một cán bộ địa phương, Bản Lang là xã nghèo ở biên giới, với địa hình đồi núi đá dốc chiếm trên 354 ha. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải hứng chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu. 

Đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Mông chiếm trên 90% dân số của xã, sinh sống ở 14 bản, với 1.667 hộ và gần 8.000 nhân khẩu. Trước khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 50%, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Sau khi hòa mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã Bản Lang đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc này được thể hiện rõ rệt. Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày, những con đường bê-tông chạy dài, hiện đại, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Mười năm qua, nhân dân xã Bản Lang tích cực tham gia các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi”, thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp… bằng nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể như: thay đổi tư duy sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hàng hóa thị trường; thực hiện các mô hình kinh tế mới, hiệu quả; quan tâm gìn giữ bản văn hóa xanh – sạch – đẹp, giữ lửa hạnh phúc gia đình.

Năm 2019, xã có 85% đường trục bản, liên bản có đường ôtô đi lại thuận lợi quanh năm. 14/14 bản và toàn bộ 1.667 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt 100%. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, đến hết năm 2021, xã Bản Lang đạt 14/15 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 50%, thu nhập bình quân đạt 29,38 triệu đồng/người/năm.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở vật chất đường – trường – trạm khang trang. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. An ninh chính trị, trât tự an toàn xã hôi ngày càng củng cố; môi trường nông thôn dần được cải thiện, sạch đẹp. Đặc biệt, toàn xã đã triển khai các mô hình: cấy lúa chất lượng cao nếp tan, tẻ râu hơn 138ha, mô hình trồng xoài liên kết gần 26ha; chăn nuôi gia súc quy mô gia trại, trang trại.

Năm 2022, xã Bản Lang phấn đấu đạt thêm tiêu chí số 5 trong chương trình xây dựng nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa. 

Trên địa bàn xã còn 5 bản: Mán Tiển, Dao Chản, Nà Đoong, Sàng Giang, Nậm Lùm chưa có nhà văn hóa bản. Để đạt được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân 5 bản cùng hiến đất, góp tiền, góp công san gạt mặt bằng làm nhà văn hóa bản. Đến thời điểm này, 3 bản Dao Chản, Sàng Giang, Nậm Lùm đã có mặt bằng, đang chờ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà văn hóa trong năm nay.

Ngoài việc tập trung giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Bản Lang còn tăng cường phối hợp với Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, Bộ đội biên phòng Lai Châu tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. 

Đặc biệt là tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục trong việc hiếu, hỷ, không di cư tự do và theo đạo trái pháp luật, vận động người dân xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, chấp hành nghiêm pháp luật. Qua đó, nhận thức của nhân dân về pháp luật nói chung và các quy định về biên giới nói riêng ngày càng được nâng cao, phát huy tốt vai trò của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Rời xã Bản Lang, chúng tôi di chuyển đến xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) để ghi nhận về sự thay đổi của xã sau công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Tính đến tháng 4/2022, xã Nậm Khao đạt được 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó có cả những tiêu chí khó đạt như: An ninh, giao thông. Kết quả này là sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị vực dậy một xã nghèo, có nhiều hủ tục, tệ nạn.

Cấp ủy, chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, vượt qua khó khăn, thử thách, triển khai cử cán bộ xuống địa bàn tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng diện mạo nông thôn ngày thêm khang trang. 

Nhân dân ở 4 bản của xã tích cực hiến đất, góp công sức, tiền bạc để hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đã có đường ôtô đến 4 bản, mặt đường nội bản, nội đồng được bê-tông, giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi. 

Hiện nay, 62km đường trục xã, liên bản, 10km đường nội bản, nội đồng được bê-tông, nhựa hóa. Không những vậy, 5 công trình thủy lợi dẫn nước đảm bảo tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

Nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay với cuộc sống của nhân dân trong xã. Từ một xã nghèo, Nậm Khao đang vươn mình. Hiện còn 4 tiêu chí: thu nhập, môi trường, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, xã sẽ dồn toàn lực, phấn đấu đạt trong thời gian sớm nhất. 

Bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường có 62 hộ dân với 100% là đồng bào Dao sinh sống. Với mục tiêu xây dựng bản Sì Thâu Chải trở thành bản tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bản Sì Thâu Chải.

Trải qua thời gian, Sì Thâu Chải vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, cùng phong cảnh nên thơ với nhiều tiềm năng du lịch mạo hiểm từ đỉnh núi Pu Ta Leng, Thác Tác Tình...

Với những lợi thế đó, từ năm 2017, bản Sì Thâu Chải được huyện Tam Đường lựa chọn xây dựng trở thành bản du lịch cộng đồng. Chính quyền các cấp đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đường nội bản, hàng rào đá, nhà văn hóa bản, đầu tư trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo cảnh quan trong bản. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp; khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống...; tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm cho du khách…

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (Tam Đường). Ảnh: Lê Anh Dũng.

Chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được người dân bản Sì Thâu Chải nhiệt tình hưởng ứng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn đã tự ý thức tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương thông qua việc trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm thêm các trang thiết bị để đón khách tham quan, lưu trú.

Người dân ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp. Mỗi tuần, Chi hội Phụ nữ thôn lại tiến hành quét dọn đường làng, ngõ xóm 3 lần. Các hộ dân trong thôn cũng tự di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, làm công trình vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa.

Chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo bước đột phá làm chuyển biến nhận thức của người dân, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở xã Hồ Thầu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Sự chung tay của các cấp, hội phụ nữ 

Bên cạnh các địa phương, các cấp hội, đoàn thể trong tỉnh cũng hăng hái tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Điển hình là sự vào cuộc mạnh mẽ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu có 92.815 hội viên sinh hoạt ở 106 cơ sở hội thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hội Phụ nữ tỉnh đã có nhiều đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những việc làm cụ thể. 

Phụ nữ tỉnh Lai Châu hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Một trong những hoạt động các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu chú trọng, tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới là hoạt động bảo vệ môi trường mà điển hình là Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Hội vận động hội viên phụ nữ hiến đất làm đường giao thông nông thôn và góp trên 50.000 ngày công lao động; hỗ trợ các gia đình xây dựng hàng nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hàng trăm hố rác. Thành lập trên 100 tổ thu gom rác thải; xây dựng trên 150 mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, duy trì vệ sinh thôn, bản và khu phố 1 lần/tuần. 

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.100 hộ gia đình đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của phụ nữ trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày; mặt khác, làm đẹp cảnh quan các tuyến đường và bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu tiếp tục đổi mới nội dung cách thức tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Hội duy trì các câu lạc bộ vệ sinh môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và điều kiện của gia đình để xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khẳng định vai trò của Hội Phụ nữ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Quỳnh Nga