Hàng loạt ngân hàng đang hồi sinh mạnh mẽ, nghề buôn tiền lại kiếm đậm ngàn tỷ. Sau hơn nửa thập kỷ sóng gió với dàn ghế nóng liên tục đổi chủ, nhiều nhà băng lại lên hương, tăng lương, rầm rộ tuyển người.

Nổi sóng sau thập kỷ không cổ tức

Năm 2017 khởi sắc chưa từng có, tiếp đến, trong 2 tuần đầu năm mới 2018, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lại rầm rập tăng giá. Cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank tăng vọt lên 58.500 đồng/cp - mức cao lịch sử mọi thời đại.

Từ cuối năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến sự hồi phục và rượt đuổi ngoạn mục của các cổ phiếu ngân hàng. Với các cổ đông Vietcombank, đây cũng là năm bắt đầu có lãi của rất nhiều cổ đông tham gia vào vụ IPO cách đây 10 năm. Mức đấu giá kỷ lục 108.000 đồng/cp trong những ngày cuối cùng năm 2007 tương đương khoảng 53.000 đồng giá điều chỉnh.

Còn với cổ đông VPBank, nhiều người mua cổ phiếu VPB của ngân hàng này gần chục năm trước đó cũng có cơ hội bán ra thu hồi vốn khi giá cổ phiếu bất ngờ tăng vọt lên 3-4x khi mà thị trường sôi động.

{keywords}

Các cổ phiếu ACB, MBB,... cũng tăng gần 100% trong hơn 1 năm qua. Cổ phiếu ACB tăng vọt lên đỉnh cao lịch sử: 40.300 đồng/cổ phiếu, giá trị cao gấp đôi sau 1 năm và xếp thứ 4 trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng đắt nhất thị trường.

Trong gần 1 năm qua, Ngân hàng Quân đội MBB chứng kiến vốn hóa tăng hơn 80%. Cổ phiếu SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã liên tục tăng, vượt lên trên mức 10.000 đồng khi có những kết quả kinh doanh tốt và kế hoạch phát triển dịch vụ mở rộng quy mô. Còn Sacombank (STB) và Eximbank (EIB) tăng trần ngay khi một đại án ngân hàng được đưa ra xét xử

Cổ phiếu HDB của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng kịch biên độ 20% trong phiên chào sàn ngày 5/1 và hiện lên trên ngưỡng 40.000 đồng/cp, lọt top 5 cổ phiếu ngân hàng có mệnh giá cao nhất trên TTCK.

Điểm nổi bật của nhóm cổ phiếu này trong năm qua là một loạt ngân hàng báo lãi đột biến, lợi nhuận ngàn tỷ và nhiều trong số đó lần đầu tiên hứa hẹn trả cổ tức cao sau gần một thập kỷ không cổ tức.

Khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 11.018 tỷ, tăng 32,9% so với năm 2016, thực hiện 116% kế hoạch 2017. Đây là con số cao nhất trong ngành ngân hàng cho đến thời điểm này. Cổ phiếu của Vietcombank năm 2017 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục, cho đến ngày 12/1 là trên 58.000 đồng, nâng vốn hóa thị trường lên trên 155 nghìn tỷ đồng, là ngân hàng có vốn hóa cao nhất ngành và nằm trong top đầu của toàn thị trường chứng khoá.

VietinBank cũng công bố mức lợi nhuận trước thuế 2017 vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. Theo kết quả kinh doanh năm 2017, chênh lệch thu chi BIDV đạt mức 24.032 tỷ đồng. Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay, tăng trưởng 44% so với 201. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng.

Trong khối cổ phần, lãnh đạo SHB đã thông báo lợi nhuận 2017 đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh tốt, lãnh đạo ngân hàng lên kế hoạch báo cáo ĐHCĐ về dự chi cổ tức 10%. MB lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 5.355 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch 124,5%, tăng 144,3% so với năm 2016. HDBank cũng cập nhật kết quả kinh doanh năm 2017, với lợi nhuận trước thuế đạt 2.420 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, đến tháng 11/2017 ngân hàng đã vượt hơn 10% so với kế hoạch đề ra cho cả năm, với lãi trước thuế đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Đi cùng với lợi nhuận khủng, lần đầu tiên sau nhiều năm, hàng loạt NH dự định chia cổ tức khủng bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng. HDBank dự kiến chia 25-30%; LienVietPostBank định tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%. Một số NH dự kiến chia cổ tức trên 10%, thay vì triền miên không trả như các năm trước.

Thời buôn tiền hấp dẫn

Theo đánh giá của nhiều CTCK, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn hơn các năm trước do “cục máu đông” nợ xấu đã được xử lý tương đối tốt, nhất là sau khi có Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và doanh thu đa dạng hơn từ các dịch vụ... đã giúp lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh.

{keywords}

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận sau thuế của các tổ chức tín dụng trên cả nước đạt khoảng 47 ngàn tỷ đồng, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm 2016. Tất cả cho thấy bức tranh sáng sủa hơn nhiều của các ngân hàng. Thời của các “cổ phiếu vua” đang trở lại.

Quyết tâm lên sàn với mục tiêu minh bạch hóa, huy động vốn để tăng quy mô và để đáp ứng những yêu cầu hội nhập quốc tế... cũng góp phần khiến triển vọng của các ngân hàng trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết. 

SHB đã hoàn thành giai đoạn tập trung tái cơ cấu, giải quyết gánh nặng từ Habubank và có những bước tiến mạnh về lợi nhuận, đa dạng hóa nguồn thu nhất là từ dịch vụ, phát triển bán lẻ và tín dụng tiêu dùng. Tính đến hết 30/09/2017, SHB có vốn điều lệ đạt 11.197 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 265.300 tỷ đồng. Mới đây, SHB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 12.036 tỷ đồng.

Như trường hợp của HDBank chính thức lên sàn hôm 5/1, quy mô tài sản của NH này đã cao gấp 18 lần so với 10 năm trước, lợi nhuận đang tăng mạnh. Mức giá cổ phiếu trên 40 ngàn đồng cũng là điều mà ít người nghĩ tới.

Sau hàng loạt các đại án ngân hàng, từ “Bầu Kiên”, “Hà Văn Thắm” cho tới “Phạm Công Danh - Trầm Bê” gần đây, hoạt động ngân hàng được kỳ vọng sẽ minh bạch và lành mạnh hơn. Tình trạng sở hữu chéo đã giảm bớt. Việc không cho phép các đại gia vừa giữ chức chủ tịch ngân hàng, vừa đứng đầu các doanh nghiệp, hay yêu cầu công khai sức khỏe và cho phép ngân hàng yếu kém phá sản... buộc các "sếp lớn" phải làm việc có trách nhiệm hơn. Nhiều sếp ngân hàng đã phải từ bỏ chức chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp từng làm nên danh tiếng của mình để chọn chiếc ghế chủ tịch ngân hàng.

Sau nhiều năm cắt giảm, năm vừa qua, nhiều ngân hàng ồ ạt tăng lương, rầm rộ tuyển người. Có 5-6 ngân hàng tuyển cả ngàn người, thậm chí 1 ngân hàng tuyển thêm hơn 5.000 nhân sự.

Sóng lớn ngân hàng đang trở lại.

M. Hà