“Ông ấy đã vào biên giới phía Tây Nam để tìm hiểu, và đưa tin. Sau đó, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông đã lên đó, và thấy rõ”.

Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ cuối cuộc trò chuyện về nhà báo huyền thoại Wilfred Burchett . Mời quí vị cùng theo dõi.

Mời độc giả xem lại Phần 1: Chuyện chưa từng kể về "Kẻ thù số Một của công chúng"

Trong cuộc chiến tranh Biên giới đầu năm 1979, Wilfred Burchett đã thay đổi thái độ với Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam như thế nào?

Nguyễn Văn Vinh: Trước hết, Trung Quốc có một ảnh hưởng lớn đến Burchett, vì ông có mối quan hệ với những nhà lãnh đạo như Mao Trạch Đông và đặc biệt là Chu Ân Lai. Burchet đã gặp Chu Ân Lai tại Hội nghị Geneva (1954). Ông đã hiểu Trung Quốc từ đầu. Burchett cũng từng ủng hộ Khmer Đỏ, vì họ đã giải phóng Campuchia khỏi bàn tay của Mỹ và chế độ Lon Nol do Mỹ ủng hộ. Nhưng sau đó ông không hình dung được người Khmer dưới chế độ Khmer Đỏ lại có thể giết hàng loạt người Khmer.

Từ năm 1978, khi Khmer Đỏ gây ra cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, ông đã đến biên giới phía Tây Nam mấy lần, và từng bị thương. Ông cũng nhận thấy có mối liên hệ giữa Trung Quốc với Khmer Đỏ, và thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Đó là một quyết định khó khăn.

Ngoài những bài báo, ông có viết một cuốn sách “Tam giác Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam”, xuất bản năm 1982, trong đó ông phân tích tất cả các khía cạnh của các mối quan hệ.

George Burchett: Trong các mối quan hệ thân hữu của ông thì số một là Hồ Chí Minh và số 2 là Chu Ân Lai.

{keywords}
Wilfred Burchett phỏng vấn Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu do George Burchett cung cấp

Burchett thay đổi thái độ về Trung Quốc trước khi cuộc chiến biên giới phía Bắc xảy ra. Ông đã vào biên giới phía Tây Nam để tìm hiểu, và đưa tin. Sau đó, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông đã có mặt, và thấy rõ những gì xảy ra ở đó.

Có tờ báo ở Mỹ là Independence (New York) đã đăng bài phỏng vấn của Burchett với Phạm Văn Đồng về Trung Quốc năm 1978.  

Wilfred Burchett đã ở nhiều nơi trên thế giới, từ Triều Tiên, Bắc Kinh, đến Moscow, Phnompenh, Paris hay Sophia, ngoài Hà Nội. Tại sao các ông quyết định quay bộ phim này chỉ ở Việt Nam và Úc?

Nguyễn Văn Vinh: Vì những gì mà Burchett đã làm ở Việt Nam và nước Úc đã từ chối cấp lại hộ chiếu cho ông. Đó là 2 nơi tốt nhất thể hiện trong phim về phần quan trọng của cuộc đời ông.

Điểm thứ 2 là nước Úc, mà cụ thể là Hội Nhà báo ở Melburne, đã công nhận Burchett là một trong những nhà báo huyền thoại, xuất thân từ Melburne, đã mang lại vinh quang cho không chỉ Melburne mà cả cho nước Úc. Họ đã xuất bản một cuốn sách trong đó có ông.

Khi chúng tôi biết được điều đó, chúng tôi quyết định sang Úc. Trong chuyến đi, George đã đưa tôi đến thăm lại ngôi nhà của Burchett, gặp những người thân trong gia đình, thậm chí đọc cả gia phả nhà ông mấy đời từ Anh sang Úc…, sống ở Úc thế nào. Điều đó làm cho tôi ngạc nhiên tại sao nước Úc có thế chối từ quyền làm công dân của một người như ông.

Việc ông chọn Wilfred Burchett có phải do ảnh hưởng từ việc đưa tin các phóng viên chiến trường phương Tây, đã trung thực đưa tin về cuộc chiến, tuy ở phía bên kia?

Nguyễn Văn Vinh: Thế hệ của chúng tôi là đã biết, đã gặp Burchett.

Trước đây tôi đã gặp ông ở KS Thống Nhất (Metropole bây giờ), bởi tôi làm ở Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 1970. Đặc biệt khi Mỹ ném bom Hà Nội trong chiến dịch “12 ngày đêm”, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với nhiều đoàn phóng viên nước ngoài ở KS Thống Nhất.

Đồng nghiệp của tôi là chị Xuân Phượng, khi đó chưa về VTV mà làm ở Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài, đã đi luyện tập, chăm sóc sức khỏe cho Burchett ở Lương Sơn (Hòa Bình), trước khi ông đi miền Nam.

Tôi thấy một người như Burchett, có công với Việt Nam như vậy nhưng không nhiều người biết về ông.  Đặc biệt lần gặp gỡ George ở Cinematech (Hà Nội), tôi rất bất ngờ vì sao George lại ở đây, và bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này.

{keywords}
Ông Burchett bên cạnh chiếc xe đạp. Ảnh tư liệu do George Burchett cung cấp.

Thời gian làm cho Reuters, tôi có nhiều dịp gặp và đi cùng với các phóng viên chiến trường phương Tây, những người đã tác nghiệp tại Sài Gòn, thậm chí cùng thời với Burchett. Họ với Burchett chỉ cách nhau có mấy trăm cây số thôi, thậm chí mấy chục cây. Họ sống trong các khách sạn đầy đủ tiện nghi, trong khi Burchett đang lặn lội tại vùng rừng núi biên giới như Tây Ninh chẳng hạn, hoặc đi tới đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí đi tới sát tới Sài Gòn, nhưng không bao giờ vào được đó. Họ và Burchett cùng đưa tin về Việt Nam, nhưng ở hai chiến tuyến. Đấy chính là yếu tố tôi cảm thấy rất hay, và tôi ấp ủ.

Ông Vinh cũng là phóng viên, thậm chí có thời gian làm phóng viên chiến trường, anh khâm phục những điểm nào nhất của Wilfred Burchett?

Nguyễn Văn Vinh: Điều mà tôi khâm phục nhất ở Burchett cũng là tên tập đầu tiên của bộ phim - “Dấn thân”. Có dấn thân thì Burchett mới có được một cuốn sách để đời mà tôi cũng dùng làm tựa đề của toàn bộ bộ phim “Việt Nam chiến thắng”, viết năm 1968.

Có được một tầm nhìn cộng với sự dấn thân đã tạo nên nhà báo Burchett.

Thế còn như George nói Burchett có một cái linh cảm cực kỳ đặc biệt thì sao? Chẳng hạn trên đường từ Triều Tiên trở về, khi kết thúc chiến tranh, đang lẽ đi Geneva, ông lại ghé thăm Việt Nam và chiến khu Việt Bắc để gặp Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Vinh: Linh cảm trong nghề nghiệp là cái trời phú cho, nhưng dám dấn thân là bản lĩnh riêng của Burchett, và điều đó đã làm nên sự nghiệp huyền thoại của ông.

George Burchett: Việt Nam là một nước độc lập, không ai có thể bảo Việt Nam phải làm gì. Burchett cũng vậy, ông là một nhà báo độc lập, không ai có thể bảo, hoặc khuyên ông, nên viết gì.

Tôi có một câu hỏi cho George. Ông sinh ra ở Việt Nam, rồi đến sống ở Moscow, Phnompenh, Paris, hay Sophia, luôn thay đổi nơi sinh sống. Ông nghĩ gì về cha ông? Ông có cảm thấy bất an không?

George Burchett: Không, không hề. Ngược lại tôi rất thích thú, vì được đi nhiều nơi, tìm hiểu được nhiều điều, và gặp nhiều con người thuộc các quốc tịch khác nhau. Điều bất an duy nhất là mỗi khi cha tôi đi công tác, chúng tôi đều thấy lo, lo ông sẽ chết. Nhưng chúng tôi đều tin rằng nếu chết ông sẽ chết như một người anh hùng trên chiến trận.

Xin cám ơn hai ông về buổi trò chuyện thú vị này.

Huỳnh Phan thực hiện

Tháng 8/1945, vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, trong khi các nhà báo quốc tế, tập trung ở Tokyo, đang mải chờ đợi sự kiện Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, thì có một người lặng lẽ lên tàu đi Hiroshima. Đó là Wilfred Burchett, một phóng viên Úc đang viết cho tờ Daily Express có trụ sở ở London (Anh).

Wilfred đã nhận được tin về vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Trên chuyến tàu ông đi Hiroshima, hành khách toàn là các sĩ quan quân đội Nhật Hoàng, và họ đã từng tìm cách ngăn ông lại. Nhưng Wilfred vẫn tới nơi, và phóng sự của ông đã gây ra một tiếng vang lớn trong dự luận thế giới.

{keywords}

Họa sĩ George Burchett

Với riêng Wilfred, đó là sự mở đầu cho một phong cách làm báo của riêng ông - luôn đứng tách ra một góc riêng, hoặc tìm một con đường riêng, để tiếp cận và phản ánh sự thật. Chính điều đó cũng gây không ít tai tiếng cho ông, và gây không biết bao trở ngại cho ông và gia đình ông.

Theo họa sĩ George Burchett, người con trai thứ hai, và là người chịu trách nhiệm về việc thu thập, quản lý và khai thác những di sản của ông nói chung, ở phương Tây có hai luồng ý kiến chính đánh giá về Wilfred Burchett.

Những người bảo thủ thì cho ông là một kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí ngay tại quê hương ông, cả một thời gian dài những người này coi ông là "Kẻ thù số Một của công chúng", và suốt 17 năm từ chối cấp lại hộ chiếu cho ông. Đến khi Công Đảng của Thủ tướng Gough Whitlam thắng cử năm 1972, ông mới được cấp lại hộ chiếu..

Những người cấp tiến thì lại tỏ lòng biết ơn vì ông đã "mở mắt" cho họ về một thế giới mà họ chưa từng được biết - thế giới của những người cộng sản. Đặc biệt, ông là nhà báo phương Tây đầu tiên cung cấp những thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam từ "phía bên kia", tức là phía Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Vinh.

Wilfred Burchett, khi viết về chiến tranh Việt Nam, đã làm được những điều mà hiếm người làm được. Đó là gặp phỏng vấn được những nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ, Sihanouk, Suphanuvong... Hay viết về những vùng núi hẻo lánh ở Thượng Lào, về khu vực sông Mekong, về Pathet Lào, về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam...

Không hề ngoa khi nói ông ấy đã góp phần quan trọng giúp châu Âu, cả Đông Âu lẫn Tây Âu, hiểu rõ về từng nước Đông Dương, chứ không không phải đơn giản là khu vực Đông Dương như cách gọi của người Pháp.

Sự thống nhất ý kiến duy nhất của hai phe cấp tiến và bảo thủ nằm ở thực tế là ông đã để lại một di sản khổng lồ gồm hơn ba chục cuốn sách, trong đó có khoảng mươi cuốn viết về Việt Nam, được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng trên thế giới.

Với gia tài hàng ngàn bài báo về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, được đăng đều trên Daily Express và Guardian (New York), và thỉnh thoảng trên New York Times và nhiều tờ báo phương Tây khác, ông và một nhà báo khác cũng đến từ châu Đại dương (New Zealand) là Peter Arnett xứng đáng được coi là những huyền thoại về báo chí chiến tranh, nhất là Chiến tranh Việt Nam. Mặc dù, họ đưa tin về cuộc chiến từ hai phía đối diện nhau.

Và cuối cùng, Hội Nhà báo Melburne cũng quyết định vinh danh ông, cùng một số nhà báo xuất thân từ Melburne khác, vào năm 2014.

Bộ phim “Việt Nam chiến thắng” gồm 3 tập, mỗi tập 25 phút, được phát sóng lần đầu tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 40 thống nhất đất nước.