- Sau khi VietNamNet phản ánh về tình trạng Dự án buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa thi công chậm tiến độ, Ban QLDA đầu tư Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) đã có phản hồi với VietNamNet xung quanh dự án này.

Chậm tiến độ vì... Hà Nội mở rộng

Nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Dự án buýt nhanh BRT được khởi công từ 2007 và dự kiến hoàn thành vào 2013. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện khi Hà Nội mở rộng hợp nhất với Hà Tây (2008) đã phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

Theo đó, thay vì hướng tuyến đi qua đường Nguyễn Trãi (QL6), tuyến BRT đã phải điều chỉnh đi vào đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) để tránh trùng với dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

{keywords}

Người dân lo ngại BRT Kim Mã – Yên Nghĩa thi công kéo dài sẽ khiến dự án đội vốn.

Ngoài ra trong quá trình triển khai BRT cũng gặp rất nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp, mật độ, lưu lượng giao thông lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm nên tiến độ thi công dự án cũng không như mong muốn.

Đặc biệt, BRT lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng cho loại hình này, do vậy trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế phải tham khảo thiết kế của nước ngoài để vận dụng cho phù hợp với đặc điểm, tình trạng giao thông của Thủ đô. Vì thế quá trình thực hiện đã phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai.

“Việc dự án chậm tiến độ, Sở GTVT đã báo cáo UBND TP Hà Nội và Thành phố đã báo cáo Chính phủ. Sau đó Chính phủ đã họp với Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan và đi đến thống nhất kéo dài thời gian thi công dự án thêm 18 tháng đến tháng 12/2016. Đây là thời hạn cuối cùng theo thời gian hiệp định và chắc chắn không thể tiếp tục chậm được nữa”, ông Hà khẳng định.

Khắc phục ngay nhà chờ xuống cấp

Về tình trạng nhà chờ xuống cấp, dột nát và trở thành nơi đi vệ sinh..., ông Vũ Hà ghi nhận những nội dung báo nêu và đã chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai tổng vệ sinh các nhà chờ, hoàn thiện các hạng mục còn lại theo đúng thiết kế.

Theo ông Hà, việc các nhà chờ mất vệ sinh là do yếu tố duy tu, duy trì chưa được thường xuyên vì hiện nay các hạng mục còn lại của nhà chờ còn đang trong quá trình thi công như hệ thống lối ra vào nhà chờ; các thiết bị trong nhà chờ vẫn chưa lắp đặt được nên chưa bàn giao được cho đơn vị khai thác, vận hành.

Mặc dù Ban QLDA đã yêu cầu nhà thầu tổ chức vệ sinh, bảo vệ nhà chờ, tuy nhiên lực lượng mỏng, nhà chờ dàn trải trên tuyến nên gặp nhiều khó khăn.

Về việc một số mái che nhà chờ bị hư hỏng, dột thấm, ông Hà cho biết nguyên nhân là do một số xe vượt quá khoảng tĩnh không của nhà chờ đi qua va quệt, làm hư.

Ban QLDA đã lắp đặt biển cảnh báo chiều cao, đồng thời đang đề xuất phương án lắp hệ thống phân làn, cảnh báo từ xa để các phương tiện sớm nhận biết nhằm tránh va vào mái nhà chờ.

"Chúng tôi đã yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu phải khắc phục các nhà chờ bị xe va quệt gây hư hỏng mái phải hoàn thành trước ngày 15/5/2016", ông Hà cho biêt.

Hà Nội quy hoạch 8 tuyến buýt nhanh

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn đến năm 2020, xe buýt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần vận tải của hệ thống giao thông công cộng Thủ đô Hà Nội.

Xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến và 3 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc đường một ray.

8 tuyến BRT gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (14 km); Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ (27km); Sơn Đồng - Ba Vì (20 km); Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, (15 km); Gia Lâm - Mê Linh (vành đai 3 – dài 30km); Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL 5 - Lạc Đạo (vành đai 4 - 53km); Ba La - Ứng Hòa (29km) ; Ứng Hòa - Phú Xuyên (17km).

Ngoài ra một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh.

Theo thực tế giao thông của từng giai đoạn, có thể xem xét bố trí tuyến xe buýt nhanh trên một số tuyến đường có đủ điều kiện về hạ tầng.

Vũ Điệp