Cà Mau sẽ phát triển bền vững nghề nuôi biển

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau cùng Sở NN&PTNT Cà Mau đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ nuôi biển và hạ tầng cần thiết để phát triển nuôi biển tỉnh Cà Mau”, nhằm đánh giá hiện trạng nghề nuôi biển và định hướng nghề nuôi biển ở tỉnh; rà soát công tác quy hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển ở Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng; đề xuất giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi biển trên địa bàn.

Theo báo cáo tại hội thảo, Cà Mau có vùng nước nội thủy khá lớn và vùng biển ven bờ có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và ven biển (gọi tắt là nuôi biển). Với chiều dài bờ biển trên 254 km, nhìn ra cả Biển Đông và “Biển Tây” (Vịnh Thái Lan) cùng hơn 80 cửa biển lớn là các cửa sông như: Sông Đốc, Gành Hào, Bảy Hạp, Bồ Đề, Ngọc Hiển, Cửa Lớn… Ngoài ra, các khu vực bãi triều rộng lớn rất thích hợp để nuôi các loài nhuyễn thể; khu vực trên biển xa cũng có nhiều đảo (cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc) phù hợp cho phát triển nuôi biển xa bờ bằng lồng bè.

Chính nhờ các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên rất phù hợp cho việc phát triển nghề nuôi biển của Cà Mau. Đây sẽ là hướng đi bền vững cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy hải sản; tái tạo biển khơi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác quá mức và tận diệt; đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho ngư dân, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước.

img 0754.jpg
Cà Mau đang định hướng dịch chuyển nuôi biển ra các vùng nước xa bờ. Trong ảnh là một đầm nuôi tôm tại đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. 

Tuy nhiên, thừa nhận những hạn chế của địa phương còn yếu kém. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau thừa nhận: “Nghề nuôi biển của Cà Mau vẫn mang tính chất nhỏ lẻ manh mún; công nghệ nuôi lạc hậu (chủ yếu nuôi gần bờ, lồng truyền thống); cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi (bến cảng, thức ăn…) chưa được đầu tư đồng bộ (chủ yếu phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ). Do đó, thời gian tới Cà Mau sẽ phải rà soát lại vùng nuôi và đề ra các chiến lược thu hút đầu tư đúng mức cho nghề nuôi biển.

Đẩy mạnh nuôi biển xa bờ

Đi sâu phân tích các lí do hạn chế, ông Châu Công Bằng cho biết, mặc dù nghề nuôi biển tại Cà Mau đã hình thành gần 10 năm, tuy nhiên trình độ kỹ thuật nuôi còn thấp, đầu tư xây dựng lồng bè bằng gỗ chưa chắc chắn, dễ gặp rủi ro khi có giông bão xuất hiện. Đối với hình thức nuôi bằng lồng nhựa HDPE thì vốn đầu tư khá cao, nguồn vốn của ngư dân không đáp ứng được. Một điều trái khoáy khác là dù có điều kiện tự nhiên tốt nhưng tỉnh lại thiếu con giống đạt kích cỡ để thả nuôi, khiến chất lượng nuôi biển không như kỳ vọng.

Với nuôi biển xa bờ, dù các khu vực như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc đã có những hộ nuôi quy mô nhưng về cơ bản vẫn mang tính tự phát khi các điều kiện phục vụ nuôi biển còn bất cập. Ví dụ, Hòn Chuối cách bờ trên 17 hải lý, người nuôi biển đang phụ thuộc khá nhiều và tàu cá để cung cấp vật tư, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cho tới con giống để nuôi biển. Đến vụ thu hoạch do hoạt động nuôi chưa đồng bộ nên khâu vận chuyển cá thương phẩm về bờ cũng khó khăn, nhất là những ngày sóng to gió lớn; các thương lái do thấy số lượng cung cấp không đều nên cũng ép giá người nuôi.

“Nuôi biển theo quy mô công nghiệp, hiện đại là hướng đi đúng đắn, là xu thế của các địa phương không riêng Cà Mau. Chính vì vậy, Sở đang tham mưu UBND tỉnh Cà Mau xây dựng các mô hình HTX nuôi biển, tổ chức sản xuất theo mô hình quản lý cộng đồng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ ngư dân sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm cho đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn công nghệ, chuyển đổi loại hình lồng nuôi sang lồng công nghiệp/ nhựa HPDE. Dự kiến tỉnh sẽ chi ngân sách thực hiện thí điểm các mô hình nuôi biển xa bờ cho ngư dân từ đầu năm 2024 này”, ông Bằng thông tin thêm.

Quang Phong và nhóm PV, BTV