Theo đó, từ ngày 11 - 19/9, Đoàn kiểm tra của Hội đồng đã tiến hành kiểm tra thực tế tại UBND thành phố Cà Mau, huyện Năm Căn và huyện U Minh. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc nắm bắt tình hình triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Qua kiểm tra, Đoàn ghi nhận những kết quả tích cực mà các địa phương đạt được. Công tác PBGDPL được triển khai thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, nội dung được đổi mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình PBGDPL hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, điển hình như mô hình "Zalo phổ biến giáo dục pháp luật" giúp đưa thông tin pháp luật đến người dân một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở cũng được nâng lên, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, một số địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng mô hình PBGDPL, nội dung và hình thức phổ biến chưa thực sự đa dạng, phong phú. Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực. Việc triển khai thực hiện các đề án PBGDPL hiệu quả còn thấp, công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên chưa được thường xuyên.
Ngoài ra, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế do một số quy định, tiêu chí còn cao. Việc đánh giá tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, một số nội dung tài liệu kiểm chứng chưa đảm bảo. Nguồn lực cho công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở ở một số đơn vị còn hạn chế, nhất là kinh phí còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, cần tăng cường PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Các địa phương cũng cần chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình PBGDPL phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.