Gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, có sự kết nối chặt chẽ giữa môi giới, người mua và người bán đã hình thành một số đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên biên giới.

Thủ đoạn của các đối tượng này là dùng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa đảo người dân có nhu cầu tìm việc đưa sang vùng Tam giác vàng lao động với mức lương từ 80 – 150 triệu đồng/tháng.

Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người của lực lượng Cảnh sát hình sự; kế hoạch về triển khai, thực hiện công tác điều tra cơ bản của lực lượng Công an tỉnh để chủ động phòng ngừa, nhất là tình hình liên quan đến mua bán người trên không gian mạng, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Lào, Myanmar, Campuchia...

muabannguoi-1.jpg
Nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm mua bán người trong nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Chí Quảng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cà Mau cho biết: “Nhiều hình thức, thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với các đối tượng nước ngoài, dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo các nạn nhân để thực hiện hành vi mua bán người. Ðặc biệt, tội phạm triệt để khai thác vào tính tham lam, hám lợi, muốn thay đổi cuộc sống của một số phụ nữ để giới thiệu việc làm, mai mối lấy chồng nước ngoài, đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động nhằm mục đích mua bán người".

Theo Thượng tá Nguyễn Chí Quảng, rất khó xác định nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán trong các vụ án mua bán người. Do vậy, việc xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài mất rất nhiều thời gian. Việc xác minh thông tin, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp tốn nhiều thời gian, làm chậm tiến độ điều tra...

Ðể ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm này, cần sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường... lồng ghép vào các buổi họp của ấp, tổ dân phố, các buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên... truyền thông sâu rộng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Ðặc biệt, chú ý nhóm đối tượng có nguy cơ cao (giới trẻ, phụ nữ, trẻ em), các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn có nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do... nâng cao ý thức phòng ngừa, không để các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo.

Ðồng thời, tổ chức tiếp nhận, xác minh tin báo tố giác tội phạm, các thông tin tài liệu trên báo chí hoặc của các tổ chức xã hội, công an các địa phương... nhằm phát hiện tội phạm, xác lập đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan. 

Phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện tố giác các đối tượng nghi vấn phạm tội mua bán người, các hành vi có liên quan.

 Hải Yến