Theo Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), việc ký kết và triển khai Hiệp định EVFTA tạo cơ hội to lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam thông qua các ưu đãi về thuế, trong đó có mặt hàng cà phê.
Cụ thể, EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang,giảm từ 7–11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến từ giảm 9–12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.
“Mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%”. Ông Anh Tuấn nói và cho biết, trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2–1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
Tháng 8/2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU tăng gần 35% |
Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức khi đi vào thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU, ông nhấn mạnh.
Tại lễ xuất khẩu cà phê đi châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ được tổ chức tại Gia Lai vào ngày 16/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực Việt Nam, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.
Ngành cà phê đang đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về giá trị xuất khẩu cà phê của thế giới).
Không chỉ vậy, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ta.
Cà phê Việt có nhiều lợi thế tại thị trường EU |
Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, các loại cà phê chế biến giúp cà phê Việt tăng sức cạnh tranh tại thị trường EU, Thứ trưởng Doanh nhận định.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, với sự chuẩn bị tích cực của Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân, ngành cà phê đã có những biến chuyển đáng ghi nhận để nắm bắt kịp thời cơ hội do hội nhập EVFTA mang lại.
Trong thời gian vừa qua, một loạt chương trình/dự án lớn đã được triển khai hiệu quả trong ngành cà phê. Đây cũng là ngành tiên phong trong hợp tác công – tư cho phát triển bền vững với sự tham gia của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã tái canh khoảng 130.000ha cà phê già cỗi (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 120.000ha). Hiện Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát diện tích cà phê già cỗi để tái canh trong thời gian tới.
Đáng chú ý, tỷ lệ cà phê chế biến có chiều hướng tăng từ mức 5% năm 2015 lên mức 15% năm 2020.
“Hiện nay, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị Đề án phát triển cà phê đặc sản, phát triển công nghiệp chế biến sâu cà phê, và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cà phê Việt Nam”, ông Doanh nói. Theo đó, trong thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.
Hải Băng