Theo thông tin tại hội nghị giao ban trực tuyến phòng, chống dịch bệnh ở Hà Nội chiều 26/9, trong khi số ca mắc ốt xuất huyết tại TP.HCM và một số địa phương đang giảm, Hà Nội lại gia tăng nhanh chóng.

Ba tuần gần đây, mỗi tuần Hà Nội ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc, riêng tuần qua ghi nhận hơn 2.400 ca. Đến ngày 24/9, gần 12.800 ca mắc được ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 94,5% số xã, phường, thị trấn. Số ca mắc này bằng 14,5% tổng số ca mắc cả nước đến nay.

Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là gần 2.300 trong đó có 9 ca nặng, nguy kịch. 3 trường hợp tử vong tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10, 11.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng qua kiểm tra, việc xử lý ổ dịch sốt xuất huyết còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Ngoài ra, việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy còn thiếu và yếu.

"Kinh phí hỗ trợ cho lực lượng xung kích vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và công nhân phun hóa chất diệt muỗi còn thấp, thanh toán chậm, khiến họ không nhiệt tình trong công việc”, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thông tin tại cuộc họp.

Lật úp hoặc đậy kín các vật dụng có thể chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng, phòng sốt xuất huyết. Ảnh: T.Thu

Việc xử lý dịch bệnh chưa hiệu quả, một số ổ dịch phức tạp kéo dài. Thậm chí, có những ổ dịch tại xã Phùng Xá và Hữu Bằng của huyện Thạch Thất kéo dài từ tháng 5 đến nay. Riêng xã Hữu Bằng đang là ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất huyện, với gần 400 ca mắc từ ngày 1/7 đến 21/9, chiếm gần 45% tổng số ca cả huyện từ đầu năm đến nay. 

Theo đại diện huyện Thạch Thất, điều này chủ yếu do ý thức người dân chưa cao dù chính quyền đã rất nỗ lực. "Khi mắc bệnh, người dân tự điều trị, không báo với y tế cơ sở. Thậm chí, khi lực lượng phun hóa chất đến nhà, người dân đóng cửa không cho vào phun vì lo hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe…", đại diện địa phương cho hay.

Theo ông Cương, để đạt hiệu quả, việc phun hoá chất phải bảo đảm trong bán kính 200m tính từ ổ dịch đến các khu lân cận. 95% hộ gia đình trong ổ dịch phải được phun. Đại diện Sở Y tế đề nghị cần phải xử phạt nghiêm những hộ không tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Cũng liên quan đến việc phun hóa chất, ông Bùi Văn Hào, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho rằng, an toàn cho người dân là yếu tố số 1. Trước khi phun, cần thông báo cho người dân che đậy các vật dụng và ra khỏi nhà trong 15 phút.

"Với những người không chấp hành việc phun hóa chất, cần phải xử phạt nghiêm", ông Hào nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe, thậm chí gây tử vong.