Tỷ lệ rau quả chế biến còn quá ít
Sản xuất rau quả là một thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, đưa hàng vào chế biến được xác định là giải pháp không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn giải quyết được vấn đề áp lực mùa vụ, ổn định giá cả thị trường.
Điển hình như Sơn La, từ một tỉnh miền núi chỉ trồng ngô, sắn,... nay là vựa cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích 82.800 ha, thành trung tâm chế biến nông sản lớn ở khu vực Tây Bắc. Bởi vậy, nông sản Sơn La gần như không cần “giải cứu”.
Tại diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.
Vụ nhãn năm 2021, tỉnh có chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh phí xây dựng lò sấy nông sản, container lạnh. Nhờ đó, toàn tỉnh đã chế biến được 65.000 tấn nhãn, giải tỏa áp lực tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng.
Bên cạnh đó, Sơn La cũng tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết, xây dựng các cơ sở chế biến trên địa bàn như Nafood, Doveco... Nhờ vậy, nông sản của nông dân được tiêu thuận thuận lợi hơn, xây dựng được nhiều thương hiệu đặc sản của vùng, bà Phong cho hay.
Dù thấy được hiệu quả, song phải thừa nhận rằng, tỷ lệ rau quả chế biến ở nước ta còn khiêm tốn, đặc biệt là chế biến sâu.
Theo thống kê, sản lượng rau quả của nước ta đạt 28 triệu tấn/năm, nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12-17%. Ngành chế biến mới đáp ứng khoảng 8-10% sản lượng rau quả hàng năm. Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao.
Ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện có 157 cơ sở chế biến với công suất đạt gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Quanh năm các nhà máy trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Ngoài ra, còn có hàng nghìn cơ sở sơ chế, chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, HTX, hộ gia đình ở khắp vùng miền. Tuy nhiên, những cơ sở chế biến này rất thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn nhỏ, khó khăn về mặt bằng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.
Đa dạng sản phẩm chế biến theo tín hiệu thị trường
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao - nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang được cân bằng theo hướng tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà kéo dài do đại dịch khiến mọi người ngại đi ăn ở ngoài, khiến nhu cầu về thực phẩm chế biến lớn hơn. Do vậy, công nghệ chế biến thực phẩm phải ngày càng sâu, đa dạng, đa chức năng.
Trước đó, bà Hạnh từng đề cập đến câu chuyện nông dân Thái Lan có những bước phát triển hơn hẳn khi đi vào chế biến sâu, với trình độ cao hơn. Súp sầu riêng của họ được đóng gói đẹp mắt, mua về chỉ cần bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lại rất tiện lợi, mùi vị thật sự hấp dẫn.
Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu, chia sẻ, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD/năm. Song, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang đây chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
“Vừa qua, các DN quy mô lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại đã có sản phẩm chế biến thâm nhập thị trường này”, ông Công nói. Theo ông, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon.
Song, ông lưu ý đây là thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng của nông sản xuất khẩu sang châu Âu là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường châu Âu, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận định, động lực để rau quả chế biến vươn lên chiếm chỗ đứng trên thị trường, đầu tiên phải nhìn từ các tín hiệu của thị trường.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhiều, tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Đặc biệt, sau đại dịch, người dân trong và ngoài nước hướng tới tiêu thụ những sản phẩm tinh, chất lượng, linh hoạt, đa dụng, giá trị cao hơn đang phát triển... Do vậy, buộc chúng ta phải có công nghệ để đáp ứng sự thay đổi đó, ông nhấn mạnh.
Về vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu, theo ông, ngoài các doanh nghiệp lớn cần quan tâm hơn nữa tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX... cần có chính sách liên kết vùng nguyên liệu để phát huy tiềm năng, thế mạnh.
Thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho 4 khu vực chế biến: các nhà máy chế biến lớn; cơ sở chế biến vừa và nhỏ; cơ sở chế biến phế phụ phẩm và trung tâm kết nối logistics nông sản. Từ đó mới có thể phát huy được hết năng lực của chế biến và bảo quản, giải quyết điểm yếu của nền nông nghiệp nhiệt đới có tính chất mùa vụ cao,... ông Toản nhấn mạnh.