Biển Đông là cửa ngõ quan trọng nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và có ý nghĩa sống còn với ASEAN. Vì vậy, việc duy trì môi trường hòa bình tại vùng biển này là thiết yếu với khu vực.
Từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã thông qua Luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng vào tàu đánh cá của các nước khác mà họ tin vi phạm “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Vấn đề ở chỗ Bắc Kinh không giải thích rõ ràng “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” là gì. Có lẽ cả thế giới không còn ngạc nhiên khi Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hơn 80% Biển Đông bằng cái gọi là “đường 9 đoạn”.
Đầu tháng 3/2021, Trung Quốc điều 220 tàu đánh cá đến Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Philippines đã tố cáo Trung Quốc với thế giới.
ASEAN và Trung Quốc đồng ý sẽ nối lại đàm phán về COC, sau thời gian phải hoãn lại vì đại dịch COVID-19. |
Trước những biến động trên chính trường quốc tế, Hiệp hội ASEAN xác định quyết tâm xây dựng một cộng đồng thực sự hướng về con người, thông qua thúc đẩy hội nhập ASEAN sâu rộng hơn, triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác nhằm mang lại lợi ích và tác động đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Vì vậy, nếu vấn đề Biển Đông không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức này trong tương lai.
Bởi vậy, các Bộ trưởng ASEAN trong các cuộc gặp luôn nhấn mạnh sự cần thiết duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; hoan nghênh các sáng kiến xây dựng lòng tin như Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES), Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự (GAME), Hướng dẫn tương tác trên biển, Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN (ADI) và các hoạt động khác trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tăng cường thông tin liên lạc, xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, cũng như giảm thiểu căng thẳng, nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm và những tính toán sai lầm trên không và trên biển.
Hội nghị vào tháng 12 năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng của 10 nước thành viên đã ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy “an ninh trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông”.
Theo đó, ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc, thực chất, toàn diện và có ý nghĩa, trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển.
Được biết, tại hội nghị đặc biệt của các ngoại trưởng tuần trước, ASEAN và Trung Quốc đồng ý sẽ nối lại đàm phán về COC, sau thời gian phải hoãn lại vì đại dịch COVID-19.
Nguyễn Thảo