Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 28/63 tỉnh thành phố có biển và khoảng 40 đô thị biển như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang…

Cùng với đó, Việt Nam đã và đang phát triển 15 khu kinh tế tập trung ven biển với quy mô lớn như: Vân Đồn – Quảng Ninh, Nghi Sơn – Thanh Hóa, Chân Mây – Thừa Thiên Huế, Chu Lai và Kỳ Hà – Quảng Nam, Dung Quất – Quảng Ngãi…, là tiền đề tạo lập nên những đô thị biển lớn trong tương lai.

Hiện nay, các đô thị ven biển phát triển rất đa dạng. Đô thị có thể phát triển theo các dải đất ven biển, cũng có thể phát triển trên các vịnh, đảo. Do nhu cầu phát triển ngày càng lớn, quỹ đất hạn chế, nên một số đô thị có xu hướng lấn biển để tăng thêm quỹ đất đô thị (chẳng hạn như Rạch Giá – Kiên Giang, Hạ Long – Quảng Ninh).

anh 17.jpg
Đô thị có thể phát triển theo các dải đất ven biển, cũng có thể phát triển trên các vịnh, đảo.

Cảnh báo thực trạng “các đô thị ven biển Việt Nam đang phát triển khá nóng”, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị dẫn một loạt minh chứng: Thành phố Hải Phòng nhanh chóng phát triển khu vực cảng container quốc tế Tân Cảng, xây dựng cầu từ Lạch Huyện ra Cát Bà; Thành phố Đà Nẵng phát triển đô thị dọc ven biển Mỹ Khê kéo dài hàng chục km; Thành phố Nha Trang cũng không ngừng mở rộng và phát triển các khách sạn cao cấp dày đặc dọc trục Trần Phú ven biển; khu vực bắc bán đảo Cam Ranh cũng đã dần hình thành những không gian đô thị du lịch quốc tế cao cấp; Phát triển nhanh nhất là thành phố Phú Quốc, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, các khu vực xây dựng tập trung của Phú Quốc, khu vực phía Bắc và Nam đảo cũng như khu vực Bãi Dài đã được xây dựng quy mô lớn, hạ tầng cơ sở như sân bay quốc tế, cảng biển cũng được đầu tư đáng kể, kết hợp với điều kiện thuận lợi của khí hậu, tạo sức hút du lịch mạnh mẽ.

Thời kỳ phát triển nóng dẫn tới sự thiếu kiểm soát đã nảy sinh nhiều bất cập. Điển hình là tại một số đô thị biển như Đà Nẵng, hàng chục km dải ven biển được giao cho các nhà đầu tư xây dựng khu du lịch, không có không gian quảng trường giao lưu, cộng đồng khó tiếp cận được biển, các bãi biển trở thành sở hữu riêng của khu du lịch, gây mất công bằng đối với cộng đồng địa phương, hạn chế cơ hội giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương với khách du lịch.

Cũng theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều đô thị biển cũng đang tồn tại một số vấn đề như: Đầu tư dàn trải, hạ tầng kỹ thuật đô thị không đồng bộ và đầy đủ; Thiếu thiết kế đô thị, do đó, nhiều kiến trúc không gian đô thị biển chưa thực sự đẹp, chưa tạo được điểm nhấn ấn tượng; Khai thác cạn kiệt hệ sinh thái ven bờ, ảnh hưởng đến chất lượng vùng biển; Chưa có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó, thời gian qua phải chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ do biến đổi khí hậu…

Với góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành kiến trúc, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển tốt hơn nữa các đô thị biển Việt Nam.

Trước hết, quy hoạch đô thị ven biển cần đặt trọng tâm phục vụ con người, đảm bảo cân bằng lợi ích của người dân bản địa và khách du lịch; Lựa chọn và phân bổ quỹ đất hợp lý, hài hòa với các mục tiêu kinh tế; Hạn chế bố trí mật độ quá dày đặc các công trình ven biển; Tăng cường tỷ lệ cây xanh sinh thái cho đô thị ven biển, đặc biệt, cần có dải cây xanh phòng hộ bảo vệ bờ biển…

Về kiến trúc, cần có thiết kế đô thị cho đô thị ven biển, đặc biệt là không gian trước biển; Các công trình kiến trúc trước biển cần có thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu và tính sáng tạo, hướng vào tiêu chuẩn công trình xanh và thông minh…

Về quản lý đô thị biển, cần kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng và phát triển đô thị biển, đặc biệt là trục ven biển, thông qua quy chế quản lý đô thị toàn đô thị và từng khu vực cụ thể; Quản lý môi trường sinh thái đô thị, đặc biệt là môi trường bờ biển, bãi cát và đới bờ, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ ô nhiễm chất lượng nước biển; Tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, quản trị đô thị.

Anh Duy và nhóm PV, BTV