Hòa trong dòng chảy của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (đã được UNSSCO công nhận năm 2005), hơn 10 năm qua các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng – bản sắc văn hóa đặc trưng của các DTTS Tây Nguyên. 

Có lẽ đội chiêng nữ đầu tiên của Lâm Đồng là nhóm 6 nghệ nhân sống dưới chân núi LangBian (buôn Bon Dưng, xã Lát, huyện Lạc Dương). Họ là những người phụ nữ cao tuổi của các dân tộc Kơ Ho – Lạch, Kơ Ho -Cil, mỗi mùa rẫy vẫn cùng nhau dẻo dai dóng lên âm vang những bài chiêng rộn ràng giữa đại ngàn.

Đội chiêng nữ 

Cũng xuất phát từ niềm “mê” chiêng, mới đây tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, 12 cô gái Kơ Ho tuổi đời còn khá trẻ (người lớn tuổi nhất cũng mới 40) đã hội tụ lại thành lập đội chiêng nữ của riêng mình; mời các nghệ nhân về truyền dạy và chỉ trong một thời gian ngắn đội chiêng này đã tấu nhuần nhuyễn 3 bài chiêng cơ bản: Gungme (Đón khách), Chingting (Mừng chiến thắng) và Rơhrach (Đuổi chim) và có mặt trong các cuộc đua tài với các đội chiêng khác trong vùng…

Sự ra đời của Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai gồm 30 phụ nữ người dân tộc Bahnar đều là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện.

Câu lạc bộ được thành lập từ ý tưởng của bà Pyer, 65 tuổi, hiện là Đội trưởng Đội cồng chiêng nữ làng Leng. Bà Pyer cho biết, hồi trẻ bà rất thích đánh cồng chiêng và đã học lén từ một số thanh niên trong làng.

Chiêng phải học dày công vì đánh theo giai điệu giống như những nốt nhạc. Còn cồng chỉ phụ họa, âm điệu đơn giản nên dễ học, ai cũng đánh được. 

Sau khi đã thành thạo, bà Pyer dạy lại cho các phụ nữ trong làng với mục đích hỗ trợ đội cồng chiêng nam trong các lễ hội. Thường trong các lễ hội làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng đánh xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội nên nếu đội nam mệt đã có đội nữ đánh thay.

Đến năm 2016, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kbang, Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập. Ba mươi chị em được phân công công việc cụ thể gồm: 5 người đánh trống, 13 người phụ trách đánh cồng chiêng và múa xoang.

Hàng ngày, sau thời gian lao động, các chị tập trung về nhà rông miệt mài luyện tập. Sau gần 1 tháng, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của bà Byer và một số nghệ nhân, các chị đã học hỏi và dần thuần thục kỹ năng biểu diễn cồng chiêng.

Từ đó, mỗi khi buôn làng mở hội, những thanh âm cồng chiêng tấu lên bản nhạc ngàn đời trầm bổng, vang xa khắp đại ngàn. Sự xuất hiện của những tay chiêng nữ đã góp thêm vào văn hóa bản địa của bản làng một phong vị mới mẻ, hấp dẫn.

Năm 2018, đội cồng chiêng nữ làng Leng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chọn trình diễn cồng chiêng trong Festival Cồng chiêng Tây Nguyên. Đây được coi là điểm nhấn để đẩy mạnh phong trào bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và là dịp để phụ nữ dân tộc thiểu số tại các thôn làng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Đến nay, huyện Chư Păh đã thành lập 2 đội chiêng nữ ở xã Ia Khươl và Chư Đang Ya. Các đội chiêng nữ thường được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong những ngày hội giao lưu văn hóa hay các ngày hội lớn ở địa phương.

Được truyền cảm hứng từ đội cồng chiêng nữ làng Leng, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đak Pơ cũng nhanh chóng thành lập đội cồng chiêng nữ cho buôn làng. Năm 2015, Hội LHPN xã Yang Bắc đã thành lập đội cồng chiêng nữ tại các làng Jun, Krông Hra và Jro Ktu Đak Yang. Tháng 7/2020, Hội LHPN xã Ya Hội thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ gồm 160 thành viên thuộc 3 đội cồng chiêng tại các làng: Groi, Bung Tờ Số và Brang-Đak Ya-Kliết.

Không thể phủ nhận, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ cồng chiêng nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần tích cực mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng để tiếng chồng chiêng mãi ngân vang khắp núi rừng.

Diệu Bình, Thanh Hà, Kiều Oanh, Hoàng Hiệp, Ánh Tuyết