Ninh Bình là địa phương có diện tích rừng và chưa thành rừng khoảng hơn 34.000 ha, chiếm 20% diện tích toàn tỉnh. Tại Ninh Bình có nhiều hệ sinh thái khác nhau như Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương, Dự án Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là nơi có quần thể Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam. Năm 2019 được thế giới ghi danh là khu Ramsar thứ 2360 của thế giới và thứ 9 của Việt Nam. Ngày 18/9/2020, Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu đã chính thức phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh cho Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Khu rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn - một phần của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. 

Từ nhiều năm nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đặc biệt là lực lượng kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng và phát triển nguồn gen, xây dựng dự án khu bảo tồn động vật hoang dã tại Ninh Bình.

dong vat hoang da 3.png
Tuyên truyền cho học sinh về bảo vệ động vật hoang dã.

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm thường xuyên với nhiều hình thức trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm đơn vị đã tổ chức 113 cuộc tuyên truyền lưu động, 17 cuộc diễn tập chữa cháy rừng, mở 30 lớp tập huấn, hội nghị, tuyên truyền cho học sinh, hàng chục cuộc thi tìm hiểu pháp luật lâm nghiệp, hàng trăm lớp tập huấn về các nội dung bảo vệ rừng, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 3.973 vụ, truy cứu trách nhiệm hình sự trên 65 vụ. Riêng động vật hoang dã lên tới gần 100 tấn động vật hoang dã, đáng chú ý ghi nhận 3 xác hổ, xương báo, chân gấu, hàng nghìn con chim, tắc kè.  Ngoài ra, lượng lượng kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thả vào Vườn Quốc gia Cúc Phương, các trung tâm cứu hộ hàng nghìn kg động vật hoang dã quý hiếm như: Báo gấm, Rắn Hổ mang chúa, Khỉ, Cầy vằn, Cầy hương, Gà lôi, Rùa vàng, Gấu, Chồn, Tê tê, Rắn ráo, Cú mèo... Từ năm 2001, Ninh Bình hợp tác với Hội Động vật học Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (FSZ) về bảo vệ loài Voọc mông trắng, loài thú quý hiếm đặc hữu của Việt Nam. 

Nhờ đó, rừng tại Ninh Bình không còn điểm nóng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. 

Đầu năm 2023, Triển khai thực hiện Quyết định số 1623 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 20 để triển khai đề án này trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ninh Bình đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trên toàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. 

UBND tỉnh giao Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, mở các chuyên đề đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, khai thác, mua bán, tiêu thụ, vận chuyển, nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và quản lý nguồn gen. Tập trung xử lý nhanh, dứt điểm các vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, không để trở thành “điểm nóng”. 

Các đơn vị tập trung bồi dưỡng công tác cán bộ trong lĩnh vực đa dạng sinh học thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị. Đầu tư trang thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu trong công tác xử lý thông tin, giám định… các vụ việc liên quan tới tội phạm về đa dạng sinh học. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV