Hạ Lang (Cao Bằng) là 1 trong 61 huyện nghèo của cả nước, với hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Hết năm 2023, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều của huyện Hạ Lang giảm còn 2.437 hộ, chiếm tỷ lệ 39,68%. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6,01%, còn 2.068 hộ.

Để đạt mục tiêu này, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo đa chiều, lồng ghép các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn lực này, huyện ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Nhiều mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi như chăn nuôi lợn nái sinh sản, bò cái sinh sản, hỗ trợ sản xuất ngô thương phẩm, trồng mía nguyên liệu đã và đang phát huy hiệu quả.

W-giam ngheo dan toc mien nui.jpg
Năm 2024, huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6,01%, còn 2.068 hộ.

Tại xã An Lạc, gia đình anh Lý Văn Coóng ở xóm Tha Hoài là một trong số 18 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò cái sinh sản theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Cùng với hỗ trợ con giống, gia đình còn được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi và vệ sinh thú y. Đến nay, bò giống đã và đang phát triển tốt. Con bò giống sinh sản 1 lứa một năm, sau 3 tháng chăn nuôi sẽ xuất bán bê con với giá từ 12-15 triệu đồng. Với thu nhập từ chăn nuôi và các nguồn thu khác, anh Cóong coi đây là tín hiệu vui giúp kéo gần mục tiêu thoát nghèo của gia đình. 

Tại xã Cô Ngân, gia đình chị Đàm Thị Phượng là một trong số 18 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Bản Nha được hỗ trợ 7 con lợn thương phẩm từ nguồn vốn của Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi các kiến thức về chăn nuôi, phòng bệnh, chỉ sau 2 tháng, đàn lợn của gia đình chị Phượng đã phát triển tốt. Chị Phượng dự định, với giống lợn được hỗ trợ ban đầu này, những con giống tốt sẽ được gia đình để lại nhân giống, còn lại sẽ xuất bán để trang trải cuộc sống. Từ hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo, họ đang ấp ủ mong muốn năm 2024 trở đi sẽ thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn.

Từ sự hỗ trợ của các kênh khác nhau, chính quyền xã Cô Ngân đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giúp người dân phát triển sản xuất. Việc huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo được tăng cường. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở.

Toàn xã được giao 415 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ lợn thương phẩm cho 34 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ di dời chuồng trại; hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Các mô hình tạo sinh kế bước đầu huy tốt hiệu quả, người dân có niềm tin vào khả năng tự lực, tự cường song song với sự hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay chỉ còn 20,5%, giảm hơn 7,2%.

Bên cạnh mô hình hỗ trợ bò sinh sản, người dân nghèo ở Hạ Lang còn được hướng dẫn chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng giống lạc đỏ. Tại xã Lý Quốc, nơi có diện tích trồng lạc nhiều nhất trên địa bàn huyện, người dân chia sẻ điều kiện thời tiết và đất đai ở đây rất phù hợp với mô hình trồng lạc đỏ. Giống lạc đỏ địa phương cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn trồng ngô. Người dân trong xã được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, tự tin khi bước sang các vụ mới.  

Năm 2024, huyện Hạ Lang tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, Hạ Lang huy động bà con nhân dân tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như trồng mía, trồng một số cây liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, có thể có sự tham gia của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo định hướng. Huyện phấn đấu đến năm 2025 duy trì gieo trồng 1.825 ha lúa, 1.660 ha ngô, trên 350 ha mía nguyên liệu, 100 ha nghệ, 150 ha lạc, 50 ha mắc ca...