Đòi hỏi tất yếu

Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với thiệt hại ước tính là 523 tỉ USD, tương đương với 14,5% GDP vào năm 2050. Việc doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tìm cách xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn ESG sẽ có được những lợi ích và cơ hội thị trường lớn vì giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn trị giá 753 tỉ USD đầu tư vào vấn đề môi trường và khí hậu.

ngân hàng.jpg
hát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. 

Việc triển khai ESG là xu hướng tất yếu trên thị trường quốc tế để đảm bảo hiệu quả an toàn và lành mạnh cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trước những rủi ro liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu; gia tăng sự đóng góp của các tổ chức tín dụng đối với chiến lược tăng trưởng xanh của mỗi quốc gia.

Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh như công tác triển khai, thẩm định những tác động môi trường, các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư, quản trị, đánh giá rủi ro ESG, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG…

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định, đây là vấn đề khá mới và phức tạp nhưng không thể trì hoãn thêm, Chính phủ, các cơ quan Chính phủ cần ban hành hành lang pháp lí về vấn đề này để các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế vận hành. 

Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho rằng: Ngân hàng với đặc thù là trung gian tài chính, huy động các nguồn lực nhàn rỗi và cho vay nền kinh tế. Ngân hàng huy động các nguồn lực xanh và định hướng các dòng vốn chảy vào các lĩnh vực kinh tế xanh và bền vững; ngân hàng cũng là trung gian thanh toán, cung cấp các sản phẩm thanh toán để giảm thiểu việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng xanh.

Có 4 lí do các ngân hàng phải triển khai ESG: Những quy định pháp lí, hiệp ước mà chúng ta cam kết với quốc tế và trong nước; những cơ hội kinh doanh; danh tiếng cho ngân hàng; quản trị, lường trước các rủi ro và quản trị được các rủi ro.

Theo thống kê về xây dựng hệ thống quản lí rủi ro môi trường tại NHTM: 47,37% NHTM đã xây dựng quy định nội bộ về quản lí rủi ro môi trường và xã hội. Đến cuối năm 2022, có 90,12% các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá rủi ro môi trường với một phần hoặc toàn bộ khoản vay; dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường đạt 2,36 triệu tỉ đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 2017.

Nhiều thách thức

Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho biết, các CEO ngành Ngân hàng trên toàn cầu nhận thấy tầm quan trọng của các sáng kiến ESG đối với tổ chức của họ, đặc biệt khi được hỏi về tác động của ESG đối với việc cải thiện hiệu quả tài chính, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng kì vọng của các bên liên quan. Theo Báo cáo Triển vọng CEO 2022 của KPMG, trên toàn cầu, rủi ro ESG xếp thứ 4 và rủi ro danh tiếng là mối quan tâm xếp thứ 5 trong số những rủi ro hàng đầu trong tương lai.

Theo ông Vinh, ESG tác động đến mọi khía cạnh trong mô hình hoạt động của ngân hàng gồm: Chính sách; khả năng phục hồi; lợi nhuận bền vững; giá trị doanh nghiệp dài hạn. Tổng quan mức độ trưởng thành trong thực hành ESG của các NHTM Việt Nam, theo ông Vinh, hiện nay, đa phần các NHTM Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng và tuân thủ. Trong vòng 2 - 3 năm tới, các NHTM sẽ hoàn thành việc tuân thủ và bước sang giai đoạn vận hành hiệu quả, tiến tới giai đoạn tạo ra giá trị. 

Ông Vinh chỉ ra 05 lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi ESG cần thiết đối với các ngân hàng, đi kèm đó là các thông điệp chính: Thứ nhất, về kế hoạch chuyển đổi Net Zero, tuyên bố kế hoạch chỉ là một phần của hành trình. Việc đạt được mục tiêu phụ thuộc vào việc vận hành tổ chức của ngân hàng.

Thứ hai, về thị trường carbon, việc chuẩn bị cho tổ chức của ngân hàng, đặc biệt là bộ phận tài chính, để thích ứng với các thông lệ kế toán lượng carbon là rất quan trọng nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải.

Thứ ba, về thiên nhiên và đa dạng sinh học, các nhà lãnh đạo thị trường đã bắt đầu xác định phạm vi rủi ro liên quan đến mất mát thiên nhiên và đa dạng sinh học trong danh mục đầu tư toàn cầu của họ.

Thứ tư, về các vấn đề xã hội, để ngăn chặn việc bị đưa vào danh sách đen xã hội, các doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lí khủng hoảng mạnh mẽ hơn và chiến lược thu hút tham gia của các bên liên quan; thứ năm, về sản phẩm và dịch vụ bền vững, thiết lập cấu trúc các bộ phận chức năng hỗ trợ của Ngân hàng để hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững sẽ quyết định thành công.

Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh khuyến nghị các bước là chìa khóa để vận hành thành công các mục tiêu ESG trong cơ cấu tổ chức hiện tại của ngân hàng gồm: Đánh giá Mức độ trưởng thành về ESG; chiến lược; mục tiêu mô hình hoạt động; Khung đánh giá rủi ro (Risk Assessment Framework - RAF) và Khung đánh giá rủi ro (Risk Management Framework - RMF); khung quản lí môi trường - xã hội; ngân sách và kế hoạch carbon; kiểm tra mức độ chịu đựng khí hậu; khung tài chính xanh và bền vững; đào tạo và phát triển nhân sự ESG; dữ liệu ESG; báo cáo và công bố thông tin.

Xuân An và nhóm PV, BTV