Đầu tư cho tương lai

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk chia sẻ: Cuối tháng 5 vừa qua, Vinamilk đã công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo lộ trình, 2027 chúng tôi cắt giảm 15% khí nhà kính, năm 2035 là 55% cắt giảm và trung hòa, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu của giảm phát thải khí nhà kính là để chống biến đổi khí hậu, và xóa bỏ dấu chân carbon trong quá trình hoạt động của mình.

Đến nay, một nhà máy và một trang trại của Vinamilk đã tuyên bố là trung hòa carbon, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành trung hòa carbon cho các nhà máy và trang trại còn lại. Điều đặc biệt là chúng tôi không mua tín chỉ carbon mà bằng những hành động của mình.

"Về hấp thụ khí nhà kính, từ 2012-2020 chúng tôi đã có chương trình trồng hơn 1,1 triệu cây xanh cho Việt Nam. Chúng tôi sử dụng công nghệ hiện đại để giảm phát thải và năng lượng tiêu hao", ông Khánh chia sẻ.

 Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt giúp tiết kiệm điện năng tại trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt

“Đầu tư thì tốn chi phí, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu chúng ta đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc đầu tư trễ. Lợi ích thu về cũng lớn hơn rất nhiều. Nếu nhiều năm trước không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi cũng không thể tự trung hòa lượng phát thải mà chúng tôi phát ra. Chi phí đầu tư này không chỉ là tiền mà còn là nhân lực, thời gian, phải rất kiên trì vì đây là quá trình lâu dài và xuyên suốt”, ông Khánh bày tỏ và cho rằng thách thức lớn nhất cho việc giảm phát thải chính là nhận thức, vì “nhận thức sẽ quyết định hành động”.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để có thể làm được như Vinamilk. Bởi trong hoạt động của các doanh nghiệp, họ đều phải tính toán đường dài. Nếu việc đầu tư cho hôm nay sẽ giúp dòng tiền trong tương lai cộng lại lớn hơn rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu thì doanh nghiệp sẽ đầu tư. Nhưng để có tiền đầu tư, thì nguồn vốn xanh đang được nhiều doanh nghiệp tìm đến.

Tháng 2/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức ban hành “Khung Khoản vay bền vững”. Việc xây dựng và ban hành Khung khoản vay bền vững sẽ giúp BIDV cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời là cơ sở để BIDV tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, chia sẻ: Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, BIDV luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia. Tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển lâu dài của mọi quốc gia, bắt nguồn từ việc biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng rõ rệt trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các tổ chức và cá nhân đang cùng nỗ lực tìm cách giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện hoạt động hướng tới sự bền vững. Nguồn lực tài chính sẽ có vai trò quan trọng thúc đẩy các sáng kiến bền vững ở tốc độ và quy mô cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan. Vì vậy, trong tiến trình này, các định chế tài chính đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nguồn lực tài chính xanh và bền vững, tiếp sức để khách hàng theo đuổi con đường phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng: Doanh nghiệp cũng cần tiếp cận và sử dụng các nguồn tài chính xanh, bền vững phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí vốn và đạt hiệu quả cao.

Cần nguồn tài chính khổng lồ

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết cùng với nguồn lực của nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.

Thời gian qua, NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh. Bà Hà Thu Giang cho biết: Năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Song ở thời điểm hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng – chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, cũng như đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%.

Tuy nhiên, bà Giang cũng thừa nhận hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh (mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành). Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV