Đối thoại là dịp để các đại biểu trong và ngoài nước thảo luận về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Việt Nam nói riêng và ở Biển Đông nói chung, khuôn khổ pháp lý cũng như tác động của hoạt động này trên các lĩnh vực từ địa chính trị, kinh tế tới an ninh năng lượng.

W-diengio.png
Ảnh minh hoạ

Đối thoại lần này là sự góp mặt của 16 diễn giả đến từ 10 quốc gia (Singapore, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Na Uy, Đức, Anh, Australia, Mỹ và Việt Nam), là các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực từ luật pháp quốc tế, năng lượng, môi trường biển…, cũng như của các đại biểu là chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Sự đa dạng này giúp Đối thoại chia sẻ được nhiều kinh nghiệm thực tế của các nước đi trước và thu hút được nhiều ý kiến có giá trị khuyến nghị cao cho việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, Đối thoại Biển lần thứ 10 bao gồm bốn phiên với các chủ đề: (i) Năng lượng tái tạo ngoài khơi và địa chính trị; (ii) Công ước Luật Biển và năng lượng tái tạo ngoài khơi; (iii) Thực tiễn khu vực và quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài khơi; và (iv) Khuyến nghị chính sách về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông.

Phát biểu bế mạc Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh các quốc gia ven Biển Đông cần quản lý tốt tranh chấp để thúc đẩy hợp tác, tranh thủ cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi phục vụ phát triển của khu vực.

Văn Thường và nhóm PV, BTV