Đây là một trong những nội dung thực hiện Quyết định số 1660/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu chung là bảo đảm trẻ em, học sinh được tiếp cận với nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học một cách công bằng, góp phần phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe. Nâng cao kiến thức, thực hành các hành vi về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học đảm bảo chất lượng theo quy định.
Cùng đó, 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện
hợp vệ sinh. 100% học sinh được truyền thông, giáo dục kiến thức về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học.
100% học sinh biết và thực hành thường xuyên hành vi rửa tay với nước sạch và xà phòng và vệ sinh kinh nguyệt an toàn đối với học sinh nữ.
95% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học.
Đối tượng thực hiện kế hoạch này là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học của ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tăng cường truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học. Trong đó, lồng ghép nội dung giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học vào các môn học của từng cấp học có liên quan và các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao.
Chú trọng các nội dung giáo dục về vệ sinh cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng đúng thời điểm, vệ sinh kinh nguyệt an toàn đối với học sinh nữ.
Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm về nước sạch và vệ sinh môi trường; tăng cường việc hướng dẫn sử dụng và bảo quản có hiệu quả các công trình nước sạch, vệ sinh trong trường học; rèn luyện kỹ năng bảo vệ nguồn nước và môi trường cho học sinh,...
Thứ hai, hoàn thiện các văn bản, chính sách và tăng cường phối hợp liên ngành. Trong đó, xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành giữa Giáo dục – Y tế và các bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai công tác bảo đảm nước sạch, vệ sinh trường học. Tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát và đánh giá và tự đánh giá việc thực hiện bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học,...
Thứ ba, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học về công tác nước sạch, vệ sinh trường học. Trong đó, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để triển khai các hoạt động về nước sạch, vệ sinh trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng trường học.
Thứ tư, cải tiến kỹ thuật và công nghệ. Trong đó, xây dựng các mô hình nhà vệ sinh thân thiện, nhà vệ sinh do học sinh tự quản bảo đảm vệ sinh, sạch sẽ… và các tài liệu hướng dẫn về hoạt động của câu lạc bộ nước sạch vệ sinh trường học. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh theo hướng linh hoạt về thiết kế mẫu công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho phù hợp với các vùng miền, đối tượng theo lứa tuổi, giới, người khuyết tật,...
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa công tác nước sạch, vệ sinh môi trường trường học.
Thứ sáu, giám sát và đánh giá. Trong đó, tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát và đánh giá và tự đánh giá việc thực hiện bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học.
Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học. Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm vệ sinh trường học, xây dựng và duy trì các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, công trình rửa tay trong trường học,...