Bàn về một số nhận thức mới liên quan tới hoạt động truyền thông chính sách, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Cần phải coi truyền thông chính sách là việc, là nhiệm vụ, là chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác là những phương tiện, công cụ để thực hiện công tác truyền thông.
“Coi truyền thông là việc của báo chí là chưa đầy đủ. Chính quyền phải bố trí nhân lực, bộ máy chuyên trách về truyền thông, phải bố trí ngân sách cho truyền thông chính sách như dành cho các lĩnh vực khác y tế, giáo dục… Trong ngân sách cho truyền thông chính sách, cần có ngân sách dành cho báo chí và các phương thức truyền thông mới, phù hợp với xu thế”, bà Thảo phân tích.
Cũng theo bà Thảo, cách làm truyền thông cũ thường chỉ tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện; chỉ cung cấp thông tin mà ít chú ý tới câu chuyện; chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách
“Truyền thông chính sách trước kia nặng về “định tính” hơn “định lượng”, chưa có phản xạ sử dụng số liệu để phân tích tình hình; không có công cụ đo đếm, rà quét thông tin trên báo, trên mạng, không có số liệu thống kê theo thời gian thực để đánh giá. Đặc biệt, thường dồn trách nhiệm lên “người phát ngôn” mà không nghĩ rằng phát ngôn là tổng thể rất nhiều yếu tố (văn bản, hình ảnh, video, chính sách ban hành...); chưa đầu tư nguồn lực tương xứng về nhân lực, phương tiện, kinh nghiệm… cho nhiệm vụ này”, bà Thảo nêu một loạt hạn chế của công tác truyền thông chính sách kiểu cũ.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng làm rõ hơn những điểm nổi bật trong cách nghĩ, cách làm mới.
Cụ thể, muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được (đo đếm được, đánh giá và điều tiết được xu hướng thông tin...). Truyền thông phải đi trước, kết hợp nhiều phương thức để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận như: Báo chí, thông tin cơ sở (loa đài phường xã), mạng xã hội, bản tin Zalo, tin nhắn ngắn, thông tin cảnh báo qua nhạc chuông nhạc chờ...
“Báo chí là kênh chủ lực cho truyền thông chính sách. Báo chí cách mạng thì Nhà nước phải có cơ chế và phải hỗ trợ. Báo chí dựa hoàn toàn vào thị trường thì sẽ thành báo chí thị trường. Một số sự cố “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách gần đây đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước”, bà Thảo lưu ý.
Trước câu hỏi “cơ quan nhà nước cần làm gì” trong hoạt động truyền thông chính sách, Phó Cục trưởng Cục Báo chí khuyến nghị: Các cơ quan nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan toả thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ không ảnh hưởng, mâu thuẫn với cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí.
Cùng với đó, cần thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình, chẳng hạn như: Họp báo thường xuyên hơn; cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn (có thể tham khảo mô hình của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hoặc Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh).
Đặc biệt, cần đầu tư những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan toả, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương.
“Ban Tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, hội trung ương để quản lý hoạt động báo chí, xử lý nghiêm vi phạm. Cân nhắc, không cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích trong giấy phép của cơ quan báo chí đó. Cân nhắc giao sở thông tin và truyền thông làm đầu mối “sàng lọc” các nhu cầu cung cấp thông tin của báo chí, gợi ý cách cung cấp thông tin phù hợp, đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định”, Phó Cục trưởng Đặng Thị Phương Thảo khuyến nghị thêm.