Bàn về thực trạng công tác truyền thông chính sách, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa cho hay: Theo cách hiểu hiện nay, truyền thông chính sách là hệ thống các công việc của Nhà nước đề ra và thực hiện nhằm chia sẻ thông tin về chính sách đến đối tượng chính sách. Nhưng trong thực tế tại Thanh Hóa nói riêng cũng như cả nước nói chung, nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước vẫn quan niệm truyền thông chính sách là nhiệm vụ của cơ quan báo chí, truyền thông, chứ không phải là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Chính vì thế, các cơ quan, đơn vị chưa bố trí đội ngũ và nguồn lực cho hoạt động truyền thông chính sách. Hầu hết các đơn vị giao chức năng truyền thông cho 1 cán bộ của văn phòng làm đầu mối tiếp nhận thông tin và xếp lịch cho thủ trưởng đơn vị tiếp và làm việc với báo chí.

Công chức, viên chức làm truyền thông thường là kiêm nhiệm, không có kiến thức chuyên ngành về báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông. 

Người được giao phụ trách công tác truyền thông tại các đơn vị đôi khi còn lúng túng, không biết cách triển khai công tác truyền thông, chỉ ký hợp đồng hoặc quyết định giao cho cơ quan báo chí tự làm, trong khi các cơ quan báo chí chỉ là một trong những phương thức để truyền tải chính sách đến với người dân, doanh nghiệp.

Về nguồn kinh phí, nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách. Việc cấp kinh phí chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên hàng năm, hoặc theo vụ việc, chủ yếu lồng ghép vào nhiệm vụ của từng đơn vị, chưa có mục chi ngân sách được quy định rõ dành cho công tác truyền thông chính sách.

anh 3.jpg
Các cơ quan hành chính nhà nước cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Ảnh: B.M

Để khắc phục hiện trạng còn bất cập nêu trên, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa khuyến nghị: Các cơ quan hành chính nhà nước cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị thông tin, để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách; Có công cụ, phương thức đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước….) để thấy rằng có cách làm hiệu quả, không hiệu quả.

Riêng với hệ thống các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân, cần đổi mới cách làm và ứng dụng các công nghệ mới để tăng tương tác với người dân, để người dân cùng tham gia làm chính sách.

Các sở, ngành, địa phương cần xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông chính sách hàng năm, linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông chính sách từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách đối với lĩnh vực của đơn vị, địa phương; đẩy mạnh truyền thông chính sách trên trang thông tin điện tử của đơn vị và trên các phương thức hoạt động truyền thông khác. 

Đồng thời, bố trí bộ phận truyền thông chính sách bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối, cung cấp thông tin; tiếp nhận và xử lý các vấn đề người dân tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Bố trí kinh phí thực hiện truyền thông chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

“Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác truyền thông chính sách, cần có mục kinh phí chi ngân sách nhà nước cho công tác truyền thông chính sách, đảm bảo điều kiện vật chất cho hoạt động truyền thông chính sách, trong đó có cả việc tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở”, ông Nam nhấn mạnh.

“Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan chuyên trách về truyền thông sẽ tập trung hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng, quy trình, xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng cho đội ngũ truyền thông của cơ quan hành chính trong tỉnh”, Phó Giám đốc Lê Văn Nam cho biết thêm.

Thục Anh và nhóm PV, BTV