Tầm nhìn xa giúp nắm bắt thời cơ vàng trong kỷ nguyên số

Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, được định vị là vùng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong kỷ nguyên số bởi một loạt yếu tố: từ sự thúc đẩy của Chính phủ, mức độ sẵn sàng cao của doanh nghiệp, đầu tư lớn cũng như sự phổ dụng của công nghệ. Đạt khoảng 400 triệu USD nhưng thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam được dự báo cán mốc 1,2 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Lê Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions cho biết, các nhà cung cấp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 22% thị phần điện toán đám mây nội địa. 78% còn lại vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng được xem là cơ hội để các giải pháp điện toán đám mây Make in Vietnam có thể vươn lên. Nhất là khi doanh nghiệp Việt không chỉ hiểu rõ “nỗi đau” dịch chuyển lên điện toán đám mây của người Việt mà còn đáp ứng vượt trội các yêu cầu của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu của người Việt trên không gian mạng.

Viettel  1.jpg
 Ông Lê Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions, người đồng sáng lập OpenStack Việt Nam.  Ảnh: Nguyễn Hòa

Trong một báo cáo, KPMG cho biết tốc độ tăng trưởng thị trường cloud toàn cầu đạt mức 25-30% trong 5 năm tới và Việt Nam có thể cao hơn. Chính vì thế, các nhà cung cấp Việt Nam cần “nắm bắt cơ hội vàng” để nâng cao vị thế của công nghệ điện toán đám mây Make in Vietnam.

Nhìn rõ những đòi hỏi đó cùng tầm nhìn “Sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”, Tập đoàn Viettel đã cho ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud từ 2 năm trước. Đây được xem là dấu mốc để tập hợp các “ốc đảo” do từng tổng công ty của Tập đoàn Viettel phát triển hơn 1 thập kỷ qua, nhằm tạo nên một hệ sinh thái Viettel Cloud toàn diện và ưu việt hơn cho người Việt.

Công nghệ Make in Vietnam tập trung cho lợi ích người Việt

Trải qua quá trình thử nghiệm tại chính các tổng công ty của Tập đoàn Viettel, Hệ sinh thái Viettel Cloud giải quyết được bài toán dùng chung hạ tầng, giúp tối ưu nguồn lực về chi phí, đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn và đa dạng nhu cầu của người dùng. Bên cạnh đó, những thế mạnh lớn nhất của Tập đoàn Viettel, chẳng hạn như đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng, cũng được nhân rộng để để mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng.

“Về mặt an ninh, các tiêu chuẩn của Việt Nam khác so với trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế đã khá cao rồi nhưng khi về Việt Nam, chúng ta đặt ra thêm các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo mật. Ở Việt Nam, Viettel là đơn vị đạt chứng nhận bảo mật an toàn thông tin cấp độ 4 dành cho Chính phủ”, ông Lê Quang Hiếu chia sẻ.

Viettel Cloud cũng sở hữu công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1,2,3 của Viện Kế toán công chứng Mỹ.

Viettel  2.jpg
 Viettel Cloud mới có data center xanh tiên phong ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hòa

Bên cạnh đó, việc trung tâm dữ liệu được đặt tại Việt Nam cũng giúp Viettel Cloud đáp ứng quy định của Chính phủ ở các Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng và Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, điều các nhà cung cấp nước ngoài chưa thể đáp ứng.

Ngoài ra, sản phẩm của Viettel còn được may đo, tùy chỉnh phù hợp với khách hàng Việt. Đội ngũ 500 nhân sự về cloud cùng 1.000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin của Viettel giúp đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của khách hàng Việt, đặc biệt là khi xảy ra sự cố. 

Được phát triển với quy mô lớn, Viettel Cloud, với những công nghệ do chính người Viettel làm chủ, không chỉ giải các bài toán hiện hữu của doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển dịch đám mây mà còn liên tục được nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu mới trong lĩnh vực công nghệ mới, chẳng hạn như AI (trí tuệ nhân tạo). Trung tâm dữ liệu (DC) mới được khánh thành hồi tháng 4 vừa qua ở Hòa Lạc là ví dụ. Đây không chỉ là một DC hiệu suất cao mà còn là DC xanh đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng với nguồn vốn xanh lãi suất thấp từ Ngân hàng toàn cầu HSBC.

Với chỉ số tiêu thụ điện năng PUE ở mức 1,4, trung tâm này tiết kiệm năng lượng so với các DC thế hệ cũ, giúp mỗi phép toán được thực hiện tại đây có chi phí rẻ hơn so với ở nơi khác. Thành tựu đó mang lại lợi ích trực tiếp cho chính người dùng đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, ông Lê Quang Hiếu cho biết: “Hệ sinh thái Viettel Solutions ra đời không phải để cạnh tranh với các dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài. Thay vào đó, từ khoá ‘hợp tác’ là một trong những tiêu chí hàng đầu của người Viettel khi cho ra đời hệ sinh thái điện toán đám mây của chính mình, qua đó nâng cao chất lượng trải nghiệm đồng thời giảm chi phí cho người dùng”.

Đặt lợi ích người dùng làm “kim chỉ nam” trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ nói chung, Viettel Cloud nói riêng, cách làm của người Viettel đang thực sự mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng Việt trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, quyết tâm xây dựng các hạ tầng số bền vững của Viettel nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cũng góp phần tạo động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động - qua đó mang về lợi ích cho đất nước, cho người dân và cho chính Viettel.

ĐL