Ngày nay trong dân gian và trong cả các văn kiện chính thức ít ai đưa ra câu hỏi “đã có bao nhiêu người đã hy sinh thầm lặng để có Nghị quyết Đại hội VI (1986) về Đổi mới mà ngày nay chúng ta đang thụ hưởng thành quả của công cuộc Đổi mới đó?”

Ông Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) Kim Ngọc đúng là "cái Kim bằng Ngọc" sinh ra để vá những mảnh áo rách cho đời trong những ngày mùa đông giá rét của một thời bao cấp. “Cái Kim bằng Ngọc" nhỏ bé nhưng dám châm thẳng vào cái “huyệt" của cơ chế bảo thủ, cảnh tỉnh và thức tỉnh tư duy xơ cứng dài mấy thập kỷ. Kim Ngọc còn quý hơn cả ngọc! Từ hiện tượng Kim Ngọc chúng ta có thể rút ra bài học về " khoán 10" trong đời sống chính trị - xã hội hôm nay.

{keywords}
Ông Kim Ngọc. Ảnh tư liệu

Thức tỉnh tư duy xơ cứng

Khi ngồi trên máy bay, có lẽ ít ai đưa ra câu hỏi “có bao nhiêu phi công thử nghiệm đã bỏ mạng để có được chiếc máy bay hiện đại mà mình đang là người thụ hưởng?”. Cũng tương tự như vậy, ngày nay trong dân gian và trong cả các văn kiện chính thức ít ai đưa ra câu hỏi “đã có bao nhiêu người đã hy sinh thầm lặng để có Nghị quyết Đại hội VI (1986) về Đổi mới mà ngày nay chúng ta đang thụ hưởng thành quả của công cuộc Đổi mới đó?”

Hành khách đi máy bay có thể được tha thứ khi họ không nhắc đến sự hy sinh của phi công thử nghiệm. Người dân thường Việt Nam cũng có thể không đáng trách khi không nhắc đến những ai đã hy sinh thầm lặng để có Nghị quyết Đại hội VI. Nhưng nếu những người có trách nhiệm mà quên “sự hy sinh” nêu trên thì không ổn. Bởi, nếu không có “khoán hộ” trong nông nghiệp, không có “Quyết định 25CP” (1981) cho phép chuyển một phần hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, không có các cách làm mới trong phân phối, lưu thông hàng hóa ở một số địa phương … thì làm gì có Nghị quyết Đại hội VI?

Vì vậy,  cần phải đánh giá đúng những người đã hy sinh thầm lặng để tạo nên cái nền tảng của Đổi mới như những anh hùng. Mà ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú khi đó là một ví dụ sinh động, sâu sắc. Nhất là vào thời điểm đầy thách thức hiện nay.  

Ở vào thời ông Kim Ngọc đề ra chủ trương “khoán hộ”, chắc chắn không ít người, nhất là những người lãnh đạo cả trung ương lẫn địa phương đã nhận ra sự sa sút nặng nề của sản xuất nông nghiệp từ khi “tập thể hóa nông nghiệp”  với cách quản lý và ăn chia không quan tâm đến lợi ích của người lao động. Thông tin về tập thể hóa nông nghiệp của Liên Xô và nhiều nước XHCN khác chỉ nói những điều tốt đẹp, nên mọi người đều làm theo, thậm chí có người còn không hết lời ca ngợi chế độ “nông dân đi làm… theo kẻng”, chưa biết hết những điều dở của phương cách làm ăn này.

Vượt lên chính mình

Sự khác biệt khiến cái tên Kim Ngọc thành danh là ông đã vượt qua được chính mình. Đây có lẽ là bài học quý giá nhất để lại cho các thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú, sau này tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ- kế tiếp. Chắc chắn ông Kim Ngọc thừa thông minh để hiểu rằng việc đưa ra chủ trương “khoán hộ” lúc bấy giờ là đi ngược lại đường lối của Đảng, mang lại hiểm nguy cho bản thân, nhưng ông đã vượt lên tất cả, dũng cảm gỡ bỏ tư duy cũ kỹ, gỡ bỏ chiếc “vòng kim cô” của thời bao cấp, sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi.

Ngày nay, qua tư liệu lịch sử được công bố chúng ta tin rằng ông Kim Ngọc làm được điều kỳ diệu đó là nhờ ông “lao” vào cuộc sống với hoài bão làm sao cho dân đỡ khổ hơn. Nhờ đó, ông đã nhận thấy sự đau đớn, tiếng kêu ai oán của người dân rất phổ biến bấy giờ bằng câu vè xót xa: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân.

Để có tình hình “thực” về hiệu quả sản xuất, về đời sống, về tâm tư của người dân, ông đã phân công cán bộ chuyên môn và quản lý của tỉnh, huyện và tự mình có các đợt (thường vào mùa vụ) về tận các thôn hay hợp tác xã để ngăn chặn các hiện tượng tham ô thóc gạo (khi đó không có tiền), đồng thời thống kê thu nhập thực tế của người dân, tình hình sản xuất ở từng cơ sở. Nhờ đó đã phát hiện, ngăn chặn được nạn tham ô, phát hiện sự không trung thực của các báo cáo thành tích trong sản xuất và trên hết phát hiện những sai lầm, bất cập của cách quản lý và ăn chia trong hợp tác xã nông nghiệp.

Đời sống thực tế và trách nhiệm xã hội lớn lao của người lãnh đạo – tư chất của một công dân với đất nước- đã thúc giục ông phải nghĩ ra và thực hiện một phương thức sản xuất và quản lý “khoán hộ”, mà tư duy và lý thuyết xơ cứng lúc đó của không ít các vị quan chức có trách nhiệm đã coi là “phục hồi sản xuất cá thể, làm yếu kinh tế tập thể”.

Ông Kim Ngọc đã làm vùng quê nghèo khó Vĩnh Phú nhanh chóng thay da đổi thịt. Quan trọng hơn cả ông đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ của nhiều quan chức bấy giờ từ địa phương đến trung ương. Có thể nói với những gì đã làm được, ông Kim Ngọc xứng đáng được người đời tôn vinh là anh hùng. Kim Ngọc “người anh hùng chân đất” với cái tên rất đẹp không chỉ là biểu tượng của đổi mới ở lĩnh vực nông nghiệp của đất nước mà còn là biểu tượng của tinh thần dũng cảm, vượt qua chính mình mà chúng ta rất cần trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách này.

Tư chất lương thiện và trách nhiệm của người lãnh đạo chi phối cách suy nghĩ, làm việc của ông đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội là điều cần suy ngẫm, cần đưa vào lý luận để nhân rộng. Việc ghi nhận, ca ngợi, truy tặng công lao, điển hình hóa bằng nghệ thuật (Phim Bí thư tỉnh ủy) tuy rất cần thiết và có ý nghĩa nhưng chưa đủ.

(Còn nữa)

Tô Văn Trường