Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, ngay khi được thông qua, chắc chắc sẽ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp, sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh và cả người tiêu dùng ở các mức độ khác nhau.
Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa và thu gom, tái chế, sử dụng không tương thích sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên hiện tượng "ô nhiễm trắng", sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống của con người và môi trường xung quanh.
Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
Đặc biệt, nếu xử lý rác thải nhựa không đúng cách, ví dụ như đốt nhựa không đúng quy chuẩn còn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và môi trường vừa chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Sự kiện này thuộc chuỗi các hội thảo tham vấn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xuyên suốt quá trình đàm phán liên Chính phủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiên liên quan tới kế hoạch quốc gia hướng đến thực hiện khung ràng buộc pháp lý quốc tế đầy tham vọng trong chấm dứt ô nhiễm nhựa, kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2024 hoặc đầu 2025.
Các ý kiến cũng cho rằng, đối với cơ chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) thực sự là một công cụ hữu ích thu hút sự tham gia của các nhà sản xuất, thúc đẩy các giải pháp thay thế nhựa, thân thiện với môi trường và khơi dòng các khoản đầu tư tiềm năng một cách hiệu quả để chống lại ô nhiễm nhựa, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng của lực lượng phi chính thức trong hệ thống quản lý chất thải nhựa.
Đồng thời, cách tiếp cận xuyên suốt vòng đời nhựa cũng đòi hỏi sự đóng góp và hợp tác liên ngành liên lĩnh vực, từ công nghiệp, môi trường, thủy sản, nông nghiệp, du lịch, thông tin và truyền thông đến thương mại điện tử.
Bản dự thảo số “0” sửa đổi do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) xuất bản vào tháng 12/2023, bao gồm sáu phần chính.
Theo đó, hầu hết các quan điểm từ những quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế trong các phiên đàm phán trước đó cũng đã tập trung thảo luận và đề xuất lựa chọn các chủ đề chính trong giải quyết ô nhiễm từ nhựa, bao gồm: Danh mục hóa chất và polymer cần quan tâm; các sản phẩm nhựa có vấn đề và cần tránh; thiết kế sản phẩm; thành phần và tính năng của sản phẩm; các sản phẩm thay thế không phải nhựa; cơ chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); phát thải và thải bỏ trong suốt vòng đời của nhựa và quản lý chất thải.