Muốn được gọi là siêu thị hay trung tâm thương mại thì phải đạt chuẩn. Biển hiệu của siêu thị hay trung tâm thương mại “tự phong” thì không được dùng các từ như Supermarket, Hypermarket, Big Mart, Big Store, Shopping Center, Trade Center, Plaza,... Các siêu thị không được giảm giá quá 3 lần 1 năm, và phải kéo dài tối thiểu 30 ngày.

Không phải thích là gắn biển siêu thị

Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, trong đó tiếp tục giữ những quy định về tiêu chuẩn của một siêu thị và trung tâm thương mại.  

Theo đó, chỉ các cơ sở kinh doanh thương mại có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này mới được đặt tên là siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Cụ thể, một siêu thị muốn được công nhận là “siêu thị” thì phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2. Kèm theo đó là các tiêu chuẩn về xây dựng, thiết bị bán hàng, tiêu chuẩn về kho, khu vệ sinh, các dịch vụ phục vụ người khuyết tật và trẻ em,...

{keywords}
Siêu thị tiếp tục phải đủ tiêu chuẩn mới được công nhận. Ảnh: Quang Phúc

Còn Trung tâm thương mại muốn được gọi là “trung tâm thương mại” thì phải có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên; đáp ứng tiêu chuẩn về trông giữ xe; nhà hàng, khách sạn; khu vực cho thuê văn phòng làm việc,...

Đáng chú ý, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thương mại không có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này tự đặt tên là siêu thị hoặc trung tâm thương mại; cấm đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng nước ngoài (như Supermarket, Hypermarket, Big Mart, Big Store, Shopping Center, Trade Center, Plaza và các tên nước ngoài khác).

“Thương nhân kinh doanh siêu thị hoặc trung tâm thương mại tự tiến hành phân loại siêu thị hoặc trung tâm thương mại của mình theo sự hướng dẫn và kiểm tra của Sở Công Thương”, Bộ Công Thương yêu cầu trong dự thảo.

Bộ này cũng đưa ra quy định cụ thể về cách ghi biển hiệu của siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Cụ thể, “siêu thị” thì phải ghi bằng tiếng Việt Nam là “siêu thị” hoặc “trung tâm thương mại” trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt và trước các từ chỉ địa danh hay tính chất của siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

“Ví dụ: Siêu thị A, Siêu thị sách B, Siêu thị máy tính C; Trung tâm thương mại D”, Bộ Công Thương nêu.

Nhiều quy định trong số này được “kế thừa” từ một quyết định cách đây gần 15 năm. Đó là Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

Đáng chú ý, dự thảo của Bộ Công Thương yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối.

Đặc biệt, về việc giảm giá, Bộ Công Thương yêu cầu mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo. Đợt bán hàng giảm giá sau phải cách đợt bán hàng giảm giá trước ít nhất 30 ngày. Trong đợt giảm giá, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.

{keywords}
Siêu thị không được khuyến mãi quá 3 lần 1 năm (Ảnh: Quang Phúc)

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá tại Dự thảo Nghị định là chưa hợp lý. Các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.

“Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này”, VCCI góp ý.

Can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp

Góp ý cho dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương soạn thảo, VCCI nhận xét: Chính phủ và Bộ Công Thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới và do đó cần được cân nhắc lại.

Cụ thể, VCCI nhắc đến các tiêu chí để một cơ sở kinh doanh thương mại được gọi tên là “siêu thị”, “trung tâm thương mại”.

VCCI băn khoăn: Việc đưa ra tiêu chí để phân biệt tiêu chí, trung tâm thương mại để làm gì? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng?

Theo VCCI, nội dung của dự thảo Nghị định này đưa ra giải pháp này có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.

“Việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh này có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, VCCI lo ngại.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ chi tiết các nội dung chính sách dự kiến, trong đó lưu ý đến các chính sách có tính chất là điều kiện kinh doanh, cần đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư 2014. Ngoài ra, cần đánh giá tác động một cách kỹ càng, thận trọng đối với các chính sách, nhất là các chính sách có tính chất là nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thực hiện.

Hà Duy