Sáng 30/5, dự án trọng điểm trị giá 2.538 tỷ của Hà Nội - Cầu Vĩnh Tuy 2, chính thức hợp long đoạn cuối cùng. Các đơn vị thi công sẽ tiếp tục thực hiện phần lan can, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và cảnh quan, thảm bê tông nhựa, sơn kẻ và tổ chức giao thông. 

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021. Nhờ quá trình đẩy nhanh tiến độ, ngày hợp long được thực hiện sớm hơn dự kiến khoảng 1 tháng.

Các nhịp cầu được thiết kế song song, nằm kề ngay cầu Vĩnh Tuy cũ. Dự kiến cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ được thông xe vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.

Mặt bằng thi công là sông nên đơn vị thi công sử dụng công nghệ đúc hẫng, 10 sà lan 1.000 tấn chở vật liệu, ba trạm trộn bê-tông cùng nhiều máy móc, thiết bị khác trên bờ được huy động để thi công trụ cầu.

Cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn) khoảng 3.473m; gồm 61 nhịp (8 nhịp liên tục dầm hộp đúc hẫng cân bằng vượt dòng chủ; 44 nhịp Super T vượt bãi sông phía Bắc; 3 nhịp dầm hộp đúc hẫng cân bằng vượt đê Tả Hồng; 6 nhịp dầm hộp bản rỗng đúc trên đà giáo).

Trên mặt cầu ngổn ngang vật liệu khi công trình đang vào đà gấp rút hoàn thiện giai đoạn cuối.

Sau khi thông xe, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ được tổ chức giao thông một chiều theo hướng nội thành ra ngoại thành, trong khi cầu Vĩnh Tuy 1 đi theo hướng ngược lại.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

Đội ngũ công nhân với hàng trăm nhân lực được bố trí chỗ ở ngay dưới gầm cầu để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Cầu Vĩnh Tuy 2 được thiết kế với mặt cắt ngang rộng 19,3m tương đương bốn làn xe gồm: hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ. Hiện cây cầu đã hoàn thiện một phần (đoạn từ Long Biên lên), được trải nhựa và lắp lan can bảo vệ hai bên.

Công trình có điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Sau khi đưa vào sử dụng, dự án được kỳ vọng giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cửa ngõ thủ đô, đoạn bắc ngang sông Hồng.