Tại Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024 được tổ chức mới đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh khoảng 553,2 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng CTRSH đô thị phát sinh 163,9 tấn/ngày, khối lượng CTRSH nông thôn phát sinh 389,3 tấn/ngày. Tổng khối lượng CTRSH được thu gom, xử lý là 534,2 tấn/ngày (đạt tỉ lệ 96,56%), trong đó lượng CTRSH thu gom về bãi rác hoặc cơ sở xử lý khoảng 321 tấn/ngày, hộ gia đình tự thu gom, xử lý khoảng 213,3 tấn/ngày.
Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được xã hội hóa. Toàn tỉnh Trà Vinh hiện nay có 9 đơn vị hoạt động thu gom, vận chuyển; 9 bãi rác, 2 nhà máy xử lý, 5 lò đốt CTRSH đang hoạt động. Trên địa bàn tỉnh hiện mới áp dụng thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH, chưa triển khai thu phí dịch vụ xử lý CTRSH.
Tỉnh Trà Vinh đang trong quá trình lập đề cương dự án “Xây dựng hướng dẫn quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, kết quả dự án tham mưu UBND tỉnh ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Sở đang hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện phân loại chất rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, dự kiến trình UBND tỉnh trong tháng 6/2024 để ban hành.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý CTRSH trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của địa phương còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý CTRSH. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH hiện tại chưa đồng bộ và chưa đáp ứng với yêu cầu về phân loại, tăng cường tái sử dụng, tái chế CTRSH. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở tái chế CTRSH và cơ sở sản xuất phân vi sinh từ chất thải thực phẩm nên hiệu quả của các mô hình phân loại trong thời gian còn hạn chế; chưa có quy định lựa chọn đơn vị tái chế CTRSH và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động tái chế đối với chất thải tái chế sau phân loại; chưa có hướng dẫn công nghệ xử lý CTRSH cụ thể.
Theo Luật BVMT năm 2020, hạn chế xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp, tuy nhiên chưa có quy định công nghệ hạn chế tỷ lệ chất thải sau xử lý phải chôn lấp, do đó hiệu quả mục tiêu giảm diện tích đất cho xử lý chất thải còn hạn chế. Việc đưa ra tiêu chí về công nghệ, mức giá xử lý CTRSH trong kêu gọi đầu tư còn gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn, đơn giá thấp nên chưa thu hút được nhà đầu tư, nhất là dự án sử dụng công nghệ hiện đại.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đề xuất các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, trong đó chú ý giải pháp thu gom, vận chuyển đối với khu vực nông thôn, đường giao thông nhỏ hẹp, xe chuyên dụng không đến được để hướng dẫn quy trình thu gom, vận chuyển và định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp.
Bên cạnh đó là ban hành hướng dẫn về lựa chọn đơn vị tái chế và nguồn kinh phí thu gom và vận chuyển, tái chế rác thải tái chế; thúc đẩy các công cụ tài chính mới/sáng tạo (ví dụ: tài chính xanh) và nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và nâng cao năng lực của các ngân hàng trong nước trong việc thẩm định dự án phù hợp trong lĩnh vực quản lý CTRSH, đặc biệt là hình thức đầu tư mới như PPP. Cần nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương về các hoạt động quản lý CTRSH, bao gồm tổ chức các sự kiện và khóa đào tạo cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh; nâng cao vai trò của các hiệp hội tái chế, xử lý chất thải rắn và các liên minh, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn thông qua các mô hình hợp tác giữa khu vực công và tư trong quản lý chất thải rắn.