Tiến sĩ Phan Huy Thông dẫn số liệu cụ thể về tình trạng khai thác thủy sản đáng báo động: Tổng trữ lượng tài nguyên thủy sản các vùng biển của Việt Nam khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác tối đa bền vững khoảng 2,15 triệu tấn. Tuy nhiên, cách đây 12 năm, sản lượng khai thác đã lên tới 2,7 triệu tấn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững. 

Những năm gần đây, khảo sát thực tế cho thấy nhiều loại thủy sản nước mặn và nước lợ giá trị cao như cá chim, cá sủ, cá nhụ, cá thiều, cá hồng, cá song lớn, cá mòi chấm... ngày càng hiếm thấy xuất hiện, thường chỉ thấy các loại cá tạp, cá nhỏ, dẫn tới sự suy giảm doanh thu của nghề khai thác thủy sản.

Với thủy sản nước ngọt, tình trạng còn đáng báo động hơn: Cả nước có tới hàng nghìn sông suối, kênh, rạch, hồ nước lớn nhỏ, cùng hàng triệu ha đất ngập nước, thế nhưng tài nguyên thủy sản cũng đã bị khai thác quá mức, hiện không còn nhiều.

Gần đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thấy rằng Việt Nam nên học hỏi và áp dụng phương thức quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng (gọi theo cách dân dã là đồng quản lý nghề cá).

anh bai 5.jpg
Cần đa dạng hóa ngành nghề sinh kế của người dân để tránh tình trạng chỉ khai thác cạn kiệt ở một lĩnh vực.

Theo đó, cộng đồng dân cư các địa phương ven biển được trao quyền kiểm soát, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, tác dụng rõ rệt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

“Dựa trên nguồn tài trợ từ nhiều tổ chức quốc tế, trong nước, cũng như từ chính ngân sách của các địa phương, cho tới nay, cả nước đã xây dựng, duy trì và phát triển được hơn 40 mô hình đồng quản lý/quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố thuộc 7 vùng sinh thái (gồm cả hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản)”, ông Thông chia sẻ kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ông Thông cũng phân tích rõ những hạn chế, nhược điểm có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các mô hình đồng quản lý nghề cá. Đáng chú ý là đặc điểm của nghề cá Việt Nam: Quy mô nhỏ; ngư dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản (82% ngư dân các vùng ven biển sống phụ thuộc vào nghề cá); chủ yếu hoạt động ở gần bờ và sử dụng ngư cụ đánh bắt khá đơn giản... 

Cùng với đó, ngư dân và cả một số bộ phận chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế nhận thức về mô hình đồng quản lý nghề cá, chỉ quan tâm tới chuyện có thêm thu nhập từ việc khai thác thủy sản mà chưa để ý đúng mức tới nguy cơ, tác hại lớn của việc xâm hại quá mức nguồn lợi thủy sản.

Nhằm phát huy tính ưu việt của mô hình đồng quản lý nghề cá, nhanh chóng nhân rộng mô hình này trên phạm vi cả nước, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề xuất một loạt giải pháp.

Cụ thể, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề đồng quản lý, tăng cường tổ chức phổ cập các kiến thức về khai thác bền vững cho người dân; Tổ chức liên kết cho nông dân ở các cấp độ khác nhau tùy từng địa phương, tùy từng phương thức khác nhau.

Đặc biệt, cần đa dạng hóa ngành nghề sinh kế của người dân để tránh tình trạng chỉ khai thác cạn kiệt ở một lĩnh vực; có thể kết hợp nông nghiệp với ngư nghiệp, khai thác với nuôi trồng, ngư nghiệp với du lịch...

Các cơ quan chức năng phải bảo vệ quyền lợi cho người dân, hỗ trợ người dân vùng khai thác khó khăn, bãi ngang, hải đảo... biết rõ hơn về các chính sách khai thác sử dụng mặt nước thuận lợi, hoặc hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề phù hợp.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản, ưu tiên hàng đầu vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các mô hình khai thác hiệu quả để người dân học tập và nhân rộng.

Thanh Nga và nhóm PV, BTV