Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin tại cuộc họp về việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội và việc làm; Đề án huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tếcho biết cho hay, tính đến ngày 15/8, số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được là 85.736 doanh nghiệp với hơn 3,93 triệu lượt lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.743,3 tỷ đồng, tương đương với 42,27% so số kinh phí dự kiến của các địa phương. Hơn 41 nghìn doanh nghiệp với hơn 2,52 triệu lượt lao động đã được thẩm định hồ sơ, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ, với kinh phí hơn 1.606,9 tỷ đồng. Hơn 23,9 nghìn doanh nghiệp với hơn 1,47 triệu lao động đã được giải ngân với số kinh phí 1.022,3 tỷ đồng (đạt 15,75% so dự kiến).

Sản xuất long nhãn xuất khẩu

Lý giải nguyên nhân kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng hồ sơ tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân thấp, ông Lê Văn Thanh cho rằng, do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.

Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên đến tháng 7/2022, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người sử dụng lao động sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bên cạnh đó, một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan việc đăng ký tạm vắng, tạm trú. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.

Ngoài ra, tỷ lệ người nộp hồ sơ, tỷ lệ giải ngân thấp còn do số tỷ lệ được tính trên số rà soát, dự kiến nhu cầu của các địa phương tại thời điểm tháng 5/2022, trong khi đến thời điểm hiện nay, sau khi thực hiện rà soát lại thì số đối tượng được hỗ trợ và nhu cầu kinh phí giảm đi nhiều, thí dụ như Đồng Nai giảm 39,58% (giảm 285 tỷ đồng), Hà Nội giảm tới 56,8%, các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Nông, Hải Dương cũng có giảm...

Xây dựng gói hỗ trợ đã đánh giá tình hình không sát, số tiền báo cáo lớn hơn số thực tế

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, thảo luận làm rõ nguyên nhân các tồn tại, vướng mắc trong triển khai các chương trình: hỗ trợ người lao động mua nhà; cho vay nhà ở xã hội, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, cho vay phát triển vùng dược liệu… đồng thời, đề xuất các biện pháp tháo gỡ.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, dù chúng ta ban hành chính sách tương đối sớm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, tuy nhiên tiến độ triển khai chính sách này còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, hiện mới đạt 1.022/6.606 tỷ đồng và thời hạn đăng ký hưởng hỗ trợ đã hết. Nếu giải ngân hết số đăng ký cũng chỉ đạt trên 40% so dự kiến ban đầu.

Phân tích các nguyên nhân, Phó Thủ tướng chỉ rõ, khi xây dựng gói hỗ trợ đã đánh giá tình hình không sát, số tiền báo cáo lớn hơn số thực tế. Vấn đề hiện nay là trình tự thủ tục nhiều vướng mắc. Nếu chưa phủ hết các đối tượng thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải có ý kiến xử lý ngay, phải linh hoạt, kiểm tra địa phương xem còn đối tượng cần hỗ trợ không. Như vậy, nguyên nhân chủ quan là ở các địa phương, nhưng nguyên nhân khách quan là ở cấp Trung ương.

Phó Thủ tướng yêu cầu, phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình; đồng thời đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương có lượng lao động lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… để rà soát đối tượng thụ hưởng, phân tích, đánh giá nhu cầu thực tế để đề xuất phương án xử lý phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, theo chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua; bảo đảm sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả…

Đối với Đề án huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Phó Thủ tướng nêu rõ, Chương trình được thực hiện trong 2 năm 2022-2023 và đang trong quá trình triển khai. Để có nguồn vốn ổn định bảo đảm cho Chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng dự thảo Đề án và tờ trình. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính tính toán kỹ lưỡng để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng pháp luật.

 Lê Na, Ngọc Ánh, Lê Thị Na