Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".
Đáng tự hào
Dành 1 tiếng phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc". Càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
“Lợi ích thì hài hòa, rủi ro, khó khăn thì chia sẻ. Tinh thần như vậy chúng ta mới làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về các yếu tố nền tảng để phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa yếu tố quyết định là yếu tố con người. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), Thủ tướng cho rằng: Sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.
Phân tích thêm về những kết quả của năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
“Chúng ta không tô hồng nhưng cũng không bôi đen”, Thủ tướng khẳng định.
Tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.
Thủ tướng lấy ví dụ, thị trường chứng khoán dễ bị "thổi" lên. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu.
Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau.
"Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết. Các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ. Tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".
Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.
Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... "Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng khẳng định.
Võ Thị Thu, Huỳnh Tuấn Kiệt, Nguyễn Trần Chung