Viện Pháp tại Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm “Thu gom và tái chế rác thải tại Hà Nội. Những chủ thể, địa bàn và các nhóm vật liệu” tại Hà Nội.
Tại Tọa đàm, bà Sylvie Fanchette, Giám đốc nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu Cessma Paris/IRD (Viện Nghiên cứu vì sự phát triển) đã công bố một nghiên cứu về thu gom và tái chế rác thải tại Thành phố Hà Nội kéo dài trong 4 năm.
Theo nghiên cứu, mỗi ngày, các đơn vị dịch vụ môi trường của Thành phố Hà Nội phải thu gom gần 10.000 tấn rác và chuyển đến bãi chôn lấp vốn đã bão hòa với những tác động tiêu cực rất lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân sinh sống gần kề hệ thống thu gom này. Ở khu vực ven đô, tỷ lệ thu gom đạt 89%, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ đạt xấp xỉ 70%, tỷ lệ rác thải bị đốt hoặc đổ ra môi trường tự nhiên còn cao.
Hiện nay quản lý rác thải là vấn đề then chốt. Tại Hà Nội, việc thiếu phân loại và tái chế của các cơ sở thu gom chính thức của nhà nước cũng như tư nhân, và tốc độ tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc thủ đô bị quá tải bởi lượng rác thải cần thu gom. Chính quyền đô thị và cả lĩnh vực tư nhân đều không thể thiết lập hệ thống phân loại tại nguồn hoặc sau khi thu gom và tái chế rác thải.
Tuy nhiên, từ nhiều thập niên qua, một hệ thống thu gom chọn lọc và tái chế rác thải rất sáng tạo được tổ chức trong nhiều thập kỷ bởi các cá nhân, chủ yếu là phụ nữ gốc nông thôn, đã thu gom khoảng 20% lượng rác thải của thành phố. Hệ thống này bao gồm những người thu gom phế liệu từ các hộ gia đình, cửa hàng, nhà hàng hay các công trường, theo cách gọi dân dã là “đồng nát”. Những người này sau khi thu mua những phế liệu có thể tái chế được phân loại rồi đem chúng đến các bãi tập kết phế liệu bán lại. Sau đó, qua nhiều trung gian, các bãi tập kết này sẽ chuyển tới các làng nghề tái chế phế liệu.
Báo cáo cũng chỉ ra phần lớn tầng lớp này không được chính quyền công nhận nhưng được chấp nhận. Những doanh nghiệp gia đình và không chính thức này thực hiện hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật và tạo ra nhiều việc làm.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội có tổng cộng 1.115 bãi tập kết phế thải, khoảng 10.000 - 20.000 người làm đồng nát và trong lĩnh vực tái chế rác thải tại các làng nghề. Đây là một con số tương đối lớn.
Dựa trên cơ sở phong phú của các bản đồ và nghiên cứu thực địa, các nhà nghiên cứu tự hỏi về việc tổ chức hệ thống không chính thức này và việc duy trì chúng trong khu vực đô thị tạo tranh luận gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe, cũng như về chiến lược được thực hiện bởi chính những người thu gom và tái chế tại thủ đô đang phát triển nhanh chóng này. Họ làm sáng tỏ tính phức tạp của hệ thống và nhiều căng thẳng giữa các tác nhân tham gia trên các địa bàn, cũng như sự mâu thuẫn giữa logic kinh tế của thị trường và cơ quan nhà nước, trong bối cảnh cạnh tranh về vật liệu có thể tái chế ở cấp địa phương và quốc tế.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Chu Kim Đức, nhà đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think playgrounds chia sẻ câu chuyện thực tế mà Think playgrounds đã trải qua. Tuy nhiên, để hệ thống tái chế này có thể được “xanh hóa” và mở rộng hơn, theo bà Đức, cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cần có sự chung tay của các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức của người dân, của người thu gom và tái chế trong hệ thống tái chế kể trên.
Cũng tại tọa đàm, bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh GreenHub chia sẻ, một trong những giải pháp lớn nhất của việc giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải đó chính là giảm nguồn rác thải. Câu chuyện đầu nguồn để giảm rác thải, đó chính là về truyền thông, tuyên truyền tới người dân về ý thức bảo vệ môi trường.