Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước.
Hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông). Vì thế, chính sách đất đai giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết đói nghèo và bất ổn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số trong các vấn đề liên quan đến đất đai. Bộ Chính trị đã có 2 nghị quyết (Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 và Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 21/1/2003) trong đó đề cập chủ trương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, ổn định sinh kế cho đồng bào dân tộc trên địa bàn cả nước.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo khảo sát thực tế của Trung tâm nghiên cứu Quyền con người vùng dân tộc, miền núi tại 10 tỉnh Tây Nam Bộ năm 2018, nhiều địa phương không còn quỹ đất, nên không thể giải quyết được mục tiêu đất sản xuất; có một số nơi có thể thu hồi được đất, nhưng giá đất cao hơn nhiều lần tiền đền bù, tiền cấp từ Ngân sách và vốn vay từ ngân hàng chính sách không đồng bộ, nên không thể thu hồi; có nhiều nơi thu hồi đựơc đất từ các Nông Lâm trường, nhưng đất cằn cỗi, sỏi đá, người dân không thể sản xuất.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc Hội mới đây về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cũng cho thấy, nước ta vẫn còn 58.000 hộ dân thiếu đất ở và 303.578 hộ thiếu đất sản xuất.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của việc thiếu đất sản xuất, đất ở là do nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng mua, chuộc lại; do bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, còn buông lỏng trong quản lý (cho thuê, cho mượn, tranh chấp, đất bị lấn chiếm,.. gây ra những tồn tại và bức xúc; tập quán của người dân dễ bị lợi dụng...
Đơn cử, như tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… đang trở thành chuyện thời sự trong vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhất là đồng bào dân tộc S’tiêng. Do cần tiền xây nhà, mua xe gắn máy, tiêu xài, tổ chức cưới hỏi… nên nhiều diện tích điều của các hộ dân đã được bán non, sang nhượng, cầm cố… dẫn đến mất nương rẫy, phương tiện làm ăn, nghèo đói bủa vây.
Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng còn chậm và không hiệu quả: Các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng một diện tích đất đai rộng lớn chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào DTTS, đặc biệt là các DTTS ít người sinh sống nhưng hoạt động không hiệu quả; trong khi đó quỹ đất đai để giao cho đồng bào sử dụng thì còn hạn chế.
Những con số này cho thấy vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều vướng mắc cần được quan tâm nghiêm túc và có giải pháp triệt để hơn.