Khi tham gia giao thông, không ít trường hợp phương tiện phía trước vì một lý do nào đó đột ngột dừng lại. Nếu xe của chúng ta không đủ một khoảng cách an toàn tối thiểu để xử lý, rất có thể sẽ đâm vào đuôi xe phía trước, gây ra nhiều thiệt hại, phiền phức. 

Đồng thời, tài xế khi không thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn có thể bị CSGT xử phạt rất nặng. Vậy, khoảng cách giữa các xe thế nào là đủ an toàn?

(Một chiếc Toyota Corolla Cross dừng đột ngột trên cao tốc Nhật Tân - Nội Bài khiến các xe phía sau suýt bị "dồn toa". Nguồn video: OFFB)

Quy định về khoảng cách an toàn

Tại Điều 11, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải có quy định về khoảng cách an toàn giữa xe trước và xe sau.

Cụ thể, trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với tốc độ của xe như sau:

- Vận tốc dưới 60 km/h: Người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông;

- Vận tốc 60km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m;

- Vận tốc trên 60 đến 80 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m;

- Vận tốc từ trên 80 đến 100 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m;

- Vận tốc từ trên 100 đến 120 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.

Khoang cach an toan.jpg
Bảng khoảng cách an toàn được quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019.

Đối với nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”

Theo quy định, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. Ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" (biển P121), lái xe phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

bien cu ly toi thieu 1563.jpeg
Khi có biển P.121, lái xe phải giữ khoảng cách tối thiểu bằng với chỉ số ghi trên biển báo.

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển số P.121 (cự ly tối thiểu giữa hai xe) để báo xe ô tô phải đi cách nhau một khoảng tối thiểu bằng trị số ghi trên biển. Biển này hết hiệu lực khi hết khoảng cách cấm ghi trên biển phụ số S.501 hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 (hết tất cả các lệnh cấm).

Cũng theo điều 11 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT: "Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn,..."

lai xe troi mua.jpeg
Khi lái xe dưới điều kiện trời mưa, có sương mù hoặc tại nơi có tầm nhìn hạn chế, lái xe phải chủ động điều chỉnh khoảng cách an toàn lớn hơn.

Mức xử phạt nếu không giữ đúng khoảng cách an toàn

Việc giữ khoảng cách theo quy định không chỉ giúp lái xe đảm bảo an toàn mà còn tránh bị xử phạt trên đường. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt với mức như sau:

{keywords}
Mức xử phạt các lỗi liên quan đến khoảng cách an toàn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Kinh nghiệm giữ khoảng cách an toàn cho lái xe

Trên thực tế, nhiều lái xe do cố tình hoặc vô ý mà không thể xác định được khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường, dẫn đến những va chạm, thậm chí tai nạn liên hoàn không đáng có. 

Hiện nay, tại một số đường cao tốc, đường quốc lộ có dựng các tấm biển ghi số 50m, 100m hoặc 70m, 140m;… đây chính khoảng cách ước chừng thực tế để giúp lái xe dễ dàng hơn trong việc căn khoảng cách giữa mình với xe phía trước, từ đó có sự điều chỉnh về khoảng an toàn cách cho phù hợp.

Ví dụ, khi đi trên cao tốc, chiếc xe của mình đang di chuyển ngang với biển "0m", còn xe phía trước đang ở vị trí của biển "100m", như vậy có nghĩa là hai xe đang cách nhau một khoảng tương đương với 100m. Nếu xe của chúng ta đã vượt qua biển "0m" nhưng xe trước mới tới biển "100m", có nghĩa là khoảng cách giữa hai xe đang không đủ 100m theo quy định và tài xế cần phải điều chỉnh ngay.

{keywords}
Trên nhiều tuyến cao tốc có những "thước đo" khoảng cách giữa các xe.

Ngoài ra, ở những đường không có "thước", mẹo được nhiều lái xe có kinh nghiệm ưa chuộng nhất để giữ khoảng cách an toàn, tránh va chạm đó là sử dụng quy tắc "3 giây".

Theo nhiều chuyên gia, 3 giây chính là khoảng thời gian cần và đủ để người điều khiển phương tiện dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dù là phanh gấp. Khoảng thời gian cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn mà không xảy ra va chạm với xe phía trước hoặc xe xung quanh.

Ví dụ như một phương tiện đang di chuyển với tốc độ 90km/h, tức là mỗi giây đi được 25m. Trong 3 giây, chiếc xe đó di chuyển được 75m. Đây là khoảng cách đủ an toàn để tài xế kịp xử lý, phanh và tránh va chạm xảy ra. Khoảng cách này cũng khá phù hợp với quy định về khoảng cách an toàn theo Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT được đề cập ở trên.

Các chuyên gia về lái xe an toàn cho rằng, việc căn và giữ khoảng cách theo quy định là cực kỳ cần thiết và luôn phải tuân thủ. Tuy nhiên, khi lái xe trên đường, việc tập trung, chú ý quan sát và phán đoán để phản xạ kịp thời với các tình huống bất ngờ mới là chìa khoá giúp cánh lái xe "vạn dặm bình an".

Hoàng Hiệp (t/h)

Bạn có kinh nghiệm gì để giúp lái xe an toàn? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô Xe máy – Báo VietNamNet theo email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Những thói quen tai hại khi lái xe vào mùa đôngVào mùa đông, nhiệt độ ở khu vực miền Bắc có thể có lúc xuống dưới 10 độ C khiến ô tô của chúng ta cũng dễ gặp phải những bệnh đặc trưng mà nếu không chú ý rất dễ làm hại đến xe.