Tại tọa đàm về giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam được tổ chức mới đây, TS Vũ An Dân, Khoa Du lịch - Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, chuyển đổi xanh trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch là quá trình kết hợp thực hành và các nguyên tắc phát triển bền vững. Hoạt động này có phạm vi rộng bao gồm triển khai hoạt động giáo dục và đào tạo sinh viên, học viên, nhân viên tại các cơ sở đào tạo về du lịch, các doanh nghiệp du lịch về các sáng kiến thân thiện với môi trường, nỗ lực bảo tồn và thực hành du lịch bền vững…
Theo TS Dân, việc đưa các hoạt động trên vào quá trình đào tạo đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1990 tại Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội (nay là trường Đại học Mở Hà Nội).
Tới nay, hoạt động này đã được triển khai tại nhiều cơ sở đào tạo về du lịch trên cả nước cũng như tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn có sự hỗ trợ của dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ. Dù vậy, vẫn chưa có sự kết nối giữa các nỗ lực của các bên hữu quan trong ngành du lịch.
Để việc chuyển đổi xanh được thực sự diễn ra và diễn ra có hiệu quả thì cần có sự kết nối các nỗ lực của các bên liên quan nhằm tạo thành một hệ sinh thái về đào tạo. Hệ sinh thái này cần được thiết lập dựa trên sự kết nối về mặt lợi ích cũng như ràng buộc của các bên hữu quan chứ không chỉ đơn thuần là việc hướng tới lợi ích phát triển bền vững chung.
TS Dân cho biết, để thực hiện chuyển đổi xanh trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần tích hợp các mô-đun về du lịch bền vững, bảo tồn môi trường và thực hành thân thiện với môi trường vào chương trình đào tạo cho các cơ sở đào tạo về du lịch.
Việc này không chỉ bao gồm thiết lập các môn học có liên quan như du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững... mà cần trở thành một trong những chuẩn đầu ra chương trình đào tạo chung của các đơn vị đào tạo về du lịch. Nếu như đây chưa phải là một tiêu chuẩn bắt buộc trong kiểm định chương trình đào tạo từ các cơ quan chức năng thì cũng cần trở thành một trong những tiêu chuẩn để công nhận chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo từ các hiệp hội nghề nghiệp có uy tín của ngành.
Bên cạnh đó là hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức du lịch có ý thức về môi trường để cung cấp các cơ hội đào tạo thực hành và tiếp xúc với các cách làm hay hoặc thông qua việc mời các doanh nghiệp trong ngành tham gia vào quá trình đào tạo. Đây là cách làm khá phổ biến nhưng vẫn ở mức độ sơ khởi. Tính hấp dẫn và hiệu quả của giải pháp này nằm ở chỗ khả năng được hưởng lợi của cả hai bên.
Một hướng đi có thể tính đến là sử dụng tiêu chí tỷ lệ nhân viên đã được học về các nội dung chuyển đổi xanh trong du lịch làm cơ sở để chứng nhận nhãn hiệu xanh cho các doanh nghiệp du lịch, ít nhất là bởi các hiệp hội nghề nghiệp có uy tín. Nếu được triển khai điều này sẽ hoạt động như một yếu tố đảm bảo đầu ra cho các cơ sở đào tạo triển khai chuyển đổi xanh trong đào tạo nhân lực du lịch.
Song song với đó là phối hợp với các tổ chức môi trường, cơ quan chính phủ và các bên liên quan trong ngành để thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến đào tạo bền vững. Cung cấp các ưu đãi và công nhận cho các doanh nghiệp và chuyên gia du lịch, những người tích cực tham gia và thúc đẩy các sáng kiến xanh.
“Việc thực hiện các giải pháp này có thể thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi xanh trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thúc đẩy văn hóa bền vững và trách nhiệm trong ngành du lịch góp phần vào một ngành du lịch bền vững và có ý thức về môi trường hơn”, TS Dân nói.