Căn nhà mặt phố lớn Hà Nội chỉ 1m mặt tiền, vì sao rao bán tới 6,5 tỷ?
Một căn nhà 3 tầng rộng 30m2 nhưng mặt tiền chỉ có 1m, nằm trên con phố lớn ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), được rao bán giá 6,5 tỷ đồng. Phải tinh mắt lắm, khách đến xem mới có thể tìm thấy vị trí mặt tiền căn nhà.
Môi giới cho hay, giá trên đã bao gồm đầy đủ giấy tờ, nội thất. Căn nhà 3 tầng này ngày từng được chủ dùng để kinh doanh nhỏ, nay mới được sửa chữa lại.
Ngôi nhà được rao bán từ năm ngoái, với mức giá như hiện tại, nhưng vẫn chưa có người mua. (Xem chi tiết)
Nhà hét giá 5 tỷ ở Bạch Mai, chỉ lọt 1 người, phải khoét tường cho xe máy vào
Một căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cách mặt đường chưa đến 50m với đầy đủ tiện nghi và giấy tờ pháp lý. Căn nhà rộng 40m2 với 4 tầng, đang được rao bán giá 5,2 tỷ đồng, có thương lượng.
Điều đặc biệt của ngôi nhà là ở con ngõ dẫn vào nhà. Nó quá nhỏ, chỉ vừa đúng một người đi. Để xe máy lọt qua, người dân phải khoét lõm cả tường. Thế nhưng, cũng chỉ có xe máy nhỏ gọn, như xe số, mới đi qua được.
Vì thế gần đây, nhiều môi giới dẫn người có nhu cầu mua nhà tới xem, nhưng chỉ mới đến đầu ngõ, khách vội “quay xe” bởi xe máy cũng thành "xe quá khổ"! (Xem chi tiết)
Sổ đỏ có tên gọi mới, chính thức tra cứu được thông tin qua mã QR
So với Luật Đất đai 2013, tên gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) được quy định tại Luật Đất đai 2024 ngắn gọn hơn, trong đó thay cụm từ "quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" bằng "quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất".
Thông tư 10/2024/TT-BTNMT (Thông tư 10) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành, quy định hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thay đổi lớn trên giấy chứng nhận mới là có mã QR code và chỉ còn 2 trang thay vì 4 trang như trước đây. (Xem chi tiết)
Không khởi động lại thuế bất động sản, giá nhà đất chỉ có đà tăng không giảm
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu không sớm khởi động lại dự án về thuế bất động sản thì không giải quyết được bài toán giá nhà đất cứ tăng không giảm thời gian qua.
Ông Hiếu nhấn mạnh, không chỉ là cần thiết mà rất cấp bách trong việc ban hành chính sách thuế với bất động sản, mà trước đây gọi nôm na là đánh thuế với căn nhà thứ hai. Căn nhà thứ hai không phải là tiêu chí quyết định, có thể theo số lượng, lũy tiến... nhưng phải công bằng. Chỉ khi can thiệp về thuế, giá nhà đất sẽ tăng giảm theo đúng thị trường. Khởi động dự án thuế này sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản; nếu không làm sẽ không giải quyết được bài toán trên. (Xem chi tiết)
Ôm hai căn hộ trên 10 tỷ giữa Hà Nội, cậu sinh viên vẫn ở trọ 3,5 triệu/tháng
Sở hữu 2 căn hộ chung cư Hà Nội có tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng, mỗi tháng thu về 40 triệu đồng tiền cho thuê nhưng Minh Đức (Thanh Hoá, sinh năm 2004) vẫn đang ở trọ 3,5 triệu đồng/tháng vì “không muốn tiêu xài hoang phí”.
Mua căn hộ đầu tiên từ năm 2022, có giá gần 3 tỷ đồng, khách đang thuê cũng ngỏ ý mua lại với giá 5,7 tỷ đồng nhưng Đức chưa muốn bán.
Cuối năm 2023, Đức lại bàn bạc và thuyết phục bố mẹ bán 2 lô đất còn lại ở quê với giá khoảng 4 tỷ đồng để mua 1 căn hộ khác, diện tích 75m2, giá 4,5 tỷ đồng. (Xem chi tiết)
'Bảng giá đất điều chỉnh TPHCM sát giá thị trường, đòi giảm là phản khoa học'
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, mức giá điều chỉnh của TPHCM tương đối cao nhưng sát, phản ánh đúng nguyên tắc thị trường.
Việc kiến nghị giảm giá xuống là phản khoa học, bởi việc giảm giá mà không đảm bảo nguyên tắc thị trường là trái luật. Người làm định giá dễ bị sai phạm pháp luật. (Xem chi tiết)