Tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tham luận về việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới…

Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, TS Trần Tuyết Ánh kiến nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ CNH- HĐH và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ trung ương đến cơ sở, để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quy định để thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

W-minhhoa-4.png
Ảnh minh hoạ

Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội. Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hoá của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, sáng tác nhiều tác phẩm văn hoá nghệ thuật từ chủ đề gia đình để tạo động lực phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một ngành Văn hoá, Gia đình, Thể thao và Du lịch mà cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình để các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình.

Trong bối cảnh XH Việt Nam đang chuyển đổi từ các giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ-mới, truyền thống – hiện đại là một quá trình tất yếu. Việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý – tình cảm không thực hiện tốt dẫn đến sự khủng hoảng chức năng, từ đó đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống sẽ khiến xã hội mất ổn định làm suy yếu động lực phát triển của đất nước.

Nghiên cứu “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc (Viện Hàn lâm KH XH VN) năm 2019 cho thấy: người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo. Bản thân gia đình đã, đang và sẽ là một trong những giá trị quan trọng đối với người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.

Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại, tối tân, vượt bậc, nhưng những giá trị như: giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hoá gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống không gì có thể thay thế được.

Hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường và đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng đưa nước ta hội nhập sâu rộng quốc tế, song vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để “Xây dựng hệ giá trị gia đình” trong tình hình mới” đưa Nghị quyết ĐH XIII vào” cuộc sống.

Công Sáng và nhóm PV, BTV