Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) là vũ khí có khả năng gây cho đối phương tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quốc phòng, môi trường sinh thái và gây tác động mạnh đến tâm lý, tinh thần của con người. Vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, hoặc vũ khí có tính năng, tác dụng tương đương và bất kỳ vũ khí tương tự nào được chế tạo trong tương lai.

Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đặc biệt nguy hiểm, trong đó vũ khí hạt nhân có sự hủy diệt rất lớn nhất do năng lượng của các phản ứng phân hạch và nhiệt hạch gây ra, với sức công phá tương đương 10 triệu tấn thuốc nổ, có khả năng hủy hoại cả một thành phố trong chớp mắt. Vũ khí phóng xạ không hủy diệt lớn ngay lập tức nhưng vật liệu phóng xạ được phát tán sẽ gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người, động vật và phá hủy môi trường sống lâu dài.

Đối với vũ khí sinh học và hóa học là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho an ninh thế giới hiện nay vì chúng dễ vận chuyển, dễ chế tạo, giá thành rẻ, khả năng phát tán của chúng lại rất khó kiểm soát vì đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của các vi sinh vật như vi trùng, vi khuẩn, độc tố do vi sinh vật tiết ra; hoặc các chất độc hóa học (thường là chất độc quân sự) gây nguy hại trực tiếp cho con người, động vật và môi trường.

Đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa, loại vũ khí hủy diệt hàng loạt càng trở nên nguy hiểm hơn nếu những kẻ khủng bố hoặc các nhân tố khác sử dụng tấn công quy mô nhỏ một thành phố đông đúc thì chúng ta cũng không có đủ vắc-xin hay đồ bảo hộ để bảo vệ. Còn nếu cuộc tấn công lớn thì hậu quả vô cùng khó lường.

Chính vì sự đặc biệt nguy hiểm của loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, Liên hợp quốc đã có các điều ước quốc tế về cấm sử dụng các loại vũ khí này và yêu cầu cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ cho phổ biến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

W-anhminhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Đối với Việt Nam, mặc dù không sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tham gia đầy đủ các điều ước quốc tế về cấm nghiên cứu, phát triển, sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng có nguy cơ chúng ta bị lợi dụng để thực hiện phổ biến và tài trợ cho hoạt động phổ biến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của các tổ chức nhà nước và phi nhà nước trên thế giới.

Do vậy chúng ta phải có các chính sách phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động nguy hiểm này. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, tham gia các thiết chế đa phương khu vực và liên khu vực về chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục.

Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến WMD. Qua đó đã thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin của các cơ quan thực thi pháp luật trong nước với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài; chia sẻ thông tin qua kênh chính thức và phi chính thức về phòng, chống hoạt động phổ biến WMD hoặc các loại tội phạm khác; hợp tác hỗ trợ tư pháp trong việc dẫn độ, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xuyên quốc gia; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, đối tác quốc tế.

Trà My và nhóm PV, BTV