Ngày 25/11, tại Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông phối hợp với Hội nuôi biển và tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Tìm giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp".

Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai năm trở lại đây kinh tế khó khăn nhưng thủy sản vẫn đứng vững và phát triển trở thành trụ cột quan trọng trong tỷ trọng phát triển của ngành nông nghiệp. 10 tháng năm 2023, cả nước đạt sản lượng hơn 7,64 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, năm 2022 tăng 4,88%. Xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ đô la. 10 tháng năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,24 tỷ đô la.
 Theo Nghị quyết 36/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 cũng đề ra các nhiệm vụ, đề án triển khai chuyển đổi nuôi biển theo hướng thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản.

Về nuôi biển mục tiêu đến năm 2025 đạt 800 nghìn tấn nhưng đến năm 2022 đã đạt 740 nghìn tấn và đến năm 2023 đã về đích. Việt Nam hình thành các điểm nuôi công nghiệp, giống thủy sản phong phú. Trong bối cảnh hiện tại Việt Nam 6 năm chưa rút được “thẻ vàng” IUU, nuôi biển sẽ giúp nguồn thủy sản được hồi sinh, thay thế cường lực khai thác quá đà, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Ngoài ra, ông Đạt cho biết, hiện chúng ta đang giảm khai thác, giảm đội tàu. Trước đây cả nước có khoảng 91 nghìn chiếc, gần đây nhất chỉ còn trên 79 nghìn chiếc tàu khai thác. 

nuôi tôm hum .jpg
Nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp phát triển bền vững. 

Việc chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân sau khi giảm khai thác thủy sản phải đi đôi với nuôi biển cập nhật công nghệ cả giống, phương thức nuôi và phát thành chuỗi khép kín. 

Tuy nhiên, thực trạng nuôi biển tại nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Giống thủy sản ở nước ta chưa chủ động còn giống giả, giống nhập lậu. Thức ăn dinh dưỡng cho thủy sản gây ô nhiễm môi trường, nuôi biển còn manh mún, quy hoạch không gian biển chưa xong, giao mặt nước biển còn khó khăn. Việc thu hoạch, sơ chế, chế biến chưa tạo được giá trị gia tăng lớn.

Theo ông Đạt, Việt Nam có nhiều nguồn lợi thủy sản rong tảo biển, cá chim, tôm hùm. Tuy nhiên, hằng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu 1 triệu tấn rong biển làm thực phẩm, mỹ phẩm.  Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp càng quan trọng hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa cho biết, tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất lớn. Toàn tỉnh có đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu.

Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản. 

Các đối tượng nuôi chính trên biển tại địa phương là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm… Tuy nhiên, nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa chủ yếu mang tính tự phát, trình độ kỹ thuật thấp, lồng nuôi bằng gỗ, ô nhiễm vùng nuôi, dịch bệnh. Đầu ra bấp bênh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các nghề nuôi...

Tại hội nghị, các chuyên gia đều cho rằng chuyển đổi nghề khai thác hải sản kém bền vững sang nuôi biển, phát triển quy mô nuôi công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu. Các địa phương tăng cường chuyển nuôi biển sang hướng công nghiệp, thay đổi công nghệ nuôi, thay thế lồng bè gỗ bằng lồng bè làm bằng vật liệu HDPE để đảm bảo an toàn khi có thiên tai.

Ngoài ra, các trung tâm khuyến nông tăng cường hỗ trợ ngư dân,  lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn. Nhân rộng các vùng nuôi biển, tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. 
 

Thuý Tình và nhóm PV, BTV